Trước hiện trạng 5,42 ha rừng cây ngập mặn nằm trong quy hoạch bảo vệ phát triển rừng bị chết hàng loạt tại tiểu khu HA, phường Đông Hải 2, quận Hải An, Hải Phòng, Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng đã có công văn đề nghị Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng hỗ trợ xác định nguyên nhân.
Theo đó, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) đã có kết quả xác định nguyên nhân sơ bộ.
Qua khảo sát tại Lô 7 – RTM khoảnh 4, tiểu khu HA, rừng chủ yếu gồm 2 loài cây là Bần Chua và Sú. Để xác định mức độ ô nhiễm môi trường dẫn tới cây rừng bị chết, Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường rừng đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng tiến hành lấy mẫu đất, nước của lô rừng để phân tích trong phòng thí nghiệm.
Kết quả phân tích mẫu đất: Đất có phản ứng kiềm, dạng mặn clo-sunfat, độ mặn trung bình, nghèo dinh dưỡng (mùn tổng số Mts = 1,71%; đạm tổng số Nts = 0,072%). Kết quả phân tích mẫu nước: pH trung tính, phù hợp với cây ngập mặn, tuy nhiên độ mặn khá cao (43-44%), ít phù hợp với cây Bần Chua.
Theo dõi mực nước tại lô rừng trong vòng 10 ngày cho thấy, mực nước tại cọc tiêu suốt quá trình theo dõi gần như không thay đổi, nước trong lô rừng không lưu thông, khu rừng luôn duy trì mực nước sâu khoảng 1,5 m – 2,3 m, không có thời gian phơi bãi.
Trên cơ sở kết quả khảo sát và phân tích, Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng xác định nguyên nhân dẫn đến cây chết do rừng thường xuyên bị ngập triều sâu. Thời gian ngập liên tục làm cho bộ rễ khí sinh của cây Bần, cây Sú không thể hô hấp được làm cây bị chết. Khi cây chết làm gốc và bộ rễ cây bị thối, trong môi trường nước bao bí làm cho quá trình phân hủy chất hữu cơ trong đất nhanh hơn, gây ô nhiễm môi trường đất, nước làm cho cây rừng bị chết hàng loạt.
Hiện tượng bao bí xung quanh vì thế cũng làm độ mặn của nước tăng cao (43-44%) trong khi cây Bần chua chỉ sinh trưởng tốt trong điều kiện độ mặn nước từ 5 tới 20%.
Giải thích của Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng phù hợp với hiện trạng tại nơi đây khi tứ bề xung quanh là khu công nghiệp KCN Deep C, bãi rác của Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng cùng một số nhà máy, xí nghiệp khác có hoạt động xả thải. Mới đây nhất, hoạt động san lấp trong hoạt động xây dựng khu công nghiệp của Tập đoàn Sao Đỏ đã bịt lối ra cuối cùng của lô rừng với biển.
Theo Viện nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng, Hải Phòng cần xem xét lại quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nếu cần thiết phải trồng phục hồi lại khu rừng trên, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Khơi thông dòng chảy, cải tạo thể nền bằng hình thức lập líp để trồng cây cũng như lựa chọn loại cây trồng phù hợp.
Tuy nhiên, việc trồng lại rừng sẽ có chi phí lớn, do đó cần tính toán hiệu quả kinh tế đầu tư trồng lại rừng so với giá trị phòng hộ, bảo vệ môi trường do khu rừng mang lại.
Về phía Chi cục Kiểm lâm Hải Phòng cho biết, việc phục hồi rừng bị chết nói trên là không khả thi, còn việc trồng lại rừng tại đây thì sẽ rất khó khăn do điều kiện lập địa tại đây đã bị thay đổi và đang bị ô nhiễm nặng. Mặt khác, khu vực này đang bị bao bí, không thoát nước được, khả năng phục hồi rừng rất thấp, chi phí cao nhưng hiệu quả kinh tế xã hội thấp, nên hướng giải quyết là xem xét thanh lý.