Sự phong phú và giàu giá trị nhân văn trong phong tục tập quán của các dân tộc vùng Tây Bắc luôn thu hút rất đông khách du lịch. Nhưng để phát triển du lịch cộng đồng thì vấn đề bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng.
Để quay trở lại với nhịp sống du lịch mới, gần đây các địa phương vùng núi Tây Bắc đã có nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, giữ nét đẹp hoang sơ nhất và sẵn sàng chào đón du khách trở lại.
Thời gian qua, UBND huyện Mai Châu, Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình đã thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện. Với quan điểm: Để giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, thu hút du lịch phát triển, tạo thu nhập và công ăn việc làm cho người dân ở các xã có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên đẹp hùng vĩ, địa phương đã đưa bảo vệ môi trường vào hương ước thôn xóm, đồng thời triển khai các giải pháp cụ thể bảo vệ môi trường gắn với du lịch.
Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con và du khách về xử lý rác thải, nước thải, giữ gìn cảnh quan. Xây dựng môi trường sạch, đẹp theo bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Tích cực góp phần vào sự phát triển chung của vùng nông thôn Tây Bắc.
Huyện Mai Châu cũng xây dựng ban hành quy chế bảo vệ môi trường. Bố trí đặt các thùng rác ở nơi thuận tiện cho người dân và khách du lịch dễ dàng nhìn thấy. Bên thùng rác có bảng hướng dẫn phân loại rác. Có bố trí lực lượng thu gom, phân loại, xử lý rác thải theo quy định về môi trường vùng nông thôn Tây Bắc.
Tại điểm sáng Lai Châu, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng được xem là hướng đi phù hợp với điều kiện của tỉnh. Du lịch cộng đồng giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái; Bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng, chống các trào lưu du nhập. Từ những lợi ích của việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhận thức của đồng bào dân tộc các địa phương thuộc tỉnh Lai Châu đã đổi thay. Bà con chú trọng đầu tư chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây dựng làng bản xanh, sạch, đẹp để thu hút du khách ghé thăm, nhận thức thay đổi hành vi, từ đó, góp phần mang đến diện mạo tươi mới cho những bản làng vùng biên.
Theo ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há, quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xã Khun Há có nhiều mặt thuận lợi như: Người dân nhiệt tình ủng hộ chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện. Họ đã tự nguyện đóng góp kinh phí, công sức, tập trung xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; Cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại, loại bỏ một số phong tục tập quán không còn phù hợp với đời sống hiện nay… Đến nay, 8/15 bản ở Khun Há có môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây là tiền đề cho việc phát triển du lịch cộng đồng của xã Khun Há nói riêng và huyện Tam Đường nói chung.
Tại Sơn La, với mục tiêu xây dựng miền quê đáng sống, bản văn hóa kiểu mẫu của người Mông, địa phương đã phát triển mô hình điểm văn hóa du lịch cộng đồng Pa Phách (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu). Vì Mộc Châu có 12 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó, dân tộc Mông là một trong những dân tộc còn giữ được nhiều bản sắc nhất. Ở 2 bản Pa Phách 1, 2 vẫn còn rất nguyên sơ. Hiện, UBND huyện đã ban hành quy chế xây dựng bản du lịch cộng đồng. Trong đó có quy chế quản lý về kiến trúc nhà ở của các dân tộc. Quy chế quản lý chăn nuôi trong khu dân cư để tránh việc ô nhiễm môi trường.
Dưới sự tác động của Covid-19, mọi người khắp nơi trên thế giới đang quay trở lại những giá trị du lịch cốt lõi và tìm lại sự an toàn khi đi du lịch. Khách du lịch quan tâm hơn đến việc phải sống trách nhiệm với các tài nguyên thiên nhiên và những giá trị được tạo hóa ban sẵn.
Sự kết hợp hài hòa giữa các bản sắc thiên nhiên, văn hóa cộng đồng và sự quản lý của Chính phủ sẽ thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.