Công trình Trạm quản lý bảo vệ rừng do Công ty TNHH Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) triển khai xây dựng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện nội thất. Là trạm quản lý bảo vệ rừng nhưng thực chất đây là công trình nghỉ dưỡng, làm du lịch. Chủ rừng bảo tận dụng 35m3 gỗ ngã đổ sau bão để xây… cho đẹp. Trong khi đó, người dân lại cho rằng công ty bảo vệ rừng lại dùng gỗ xây nhà là phản cảm.
Choáng ngợp vì ngôi nhà… toàn gỗ
Công ty TNHH Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (gọi tắt Công ty Nam Tây Nguyên) đang xây dựng một ngôi nhà rộng hơn 250m2 trên lâm phần do đơn vị quản lý. Công trình được xây dựng theo kiến trúc nhà dài, một tầng trệt, một tầng lầu hoành tráng. Điều đáng nói, ở tầng lầu của ngôi nhà, chủ đầu tư đã ốp gỗ hoàn toàn.
Được biết, công trình này có giá trị hơn 2 tỉ đồng, phía trên lầu có 9 phòng riêng biệt, được ốp lát toàn bộ bằng gỗ từ trần nhà, tường nhà và nền nhà.
Theo một người thi công công trình, các phòng trong ngôi nhà được thiết kế như khách sạn nghỉ dưỡng, có bồn tắm… thảo dược.
Trao đổi với Báo Lao động, ông Nguyễn Ngọc Bình – Chủ tịch Công ty Nam Tây Nguyên xác nhận công ty có sử dụng gỗ để ốp một số hạng mục công trình.
Số lượng gỗ nói trên được UBND tỉnh Đắk Nông cho phép công ty tận dụng sau bão vào năm 2019 với khối lượng khoảng 35m3 gỗ. Quá trình xây dựng, công ty còn tận dụng thêm một số cây thông ngã đổ trong rừng…
Theo ông Bình, vì là đơn vị tự chủ về tài chính nên công ty dự định xây dựng căn nhà để trở thành trạm dừng nghỉ, phục vụ phát triển du lịch, có thêm nguồn thu để trả lương cho nhân viên công ty. Còn trước mắt, căn nhà này sẽ làm nơi nghỉ ngơi của lực lượng bảo vệ rừng.
Bảo vệ rừng xây nhà gỗ phản cảm
Nói về hiện trạng đất tại công trình này, ông Nguyễn Ngọc Bình thừa nhận khu vực này thuộc đất lâm nghiệp và không được chuyển đổi để xây dựng du lịch…
Tuy nhiên, ông Bình giải thích rằng trước đó, công ty đã phê duyệt phương án xây dựng bảo vệ rừng bền vững (năm 2020-2030), trong đó có kế hoạch xây dựng du lịch sinh thái gắn với khu vực được quản lý bảo vệ (?).
Lý giải về việc tại sao lại sử dụng gỗ để xây nhà, làm du lịch, ông Nguyễn Ngọc Bình cho rằng việc xây dựng bê tông hóa rất “cứng nhắc”, trong khi đó du khách ở Sài Gòn lại thích ốp gỗ cho đẹp.
“Chúng tôi phải xây dựng để đặt nền tảng ban đầu để sau này phát triển du lịch ở địa phương” – ông Nguyễn Ngọc Bình chia sẻ.
Khác xa so với lời giải thích của người đứng đầu Công ty Nam Tây Nguyên, đa phần người dân khi chứng kiến công trình sử dụng nhiều gỗ đều bày tỏ sự bức xúc vì sự phản cảm của lực lượng bảo vệ rừng.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng một căn nhà gỗ như vậy không phù hợp với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị. Chưa kể, xây dựng nhà gỗ cạnh rừng là điều gây nghi ngờ về tính pháp lý của gỗ rừng khi đưa vào sử dụng…
Liên quan đến công trình xây dựng nằm giữa rừng, một lãnh đạo Huyện ủy Tuy Đức xác nhận, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ rừng theo tinh thần của Nghị quyết 10 của Đảng bộ tỉnh Đắk Nông và Nghị quyết 11 của Đảng bộ huyện Tuy Đức.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, đơn vị chủ rừng chưa thực sự phối hợp, hợp tác với đoàn kiểm tra.
Theo lãnh đạo Huyện ủy Tuy Đức, đứng về phương diện một người dân địa phương, vị này nhận thấy công trình rất phản cảm. Là một đơn vị quản lý, bảo vệ rừng nhưng lại xây dựng công trình nhà ở kiên cố trong rừng, sử dụng vật liệu từ rừng thì làm sao mà nói được người khác giữ rừng.
“Trong quá trình làm việc, chúng tôi sẽ kiểm tra các hồ sơ, thủ tục pháp lý. Muốn xây dựng nhà trên đất rừng thì phải được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, đưa khu đất đó ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng” – vị lãnh đạo Huyện ủy Tuy Đức khẳng định.