Tuần này, các đại biểu tham dự Hội nghị Đa dạng sinh học của Liên hợp quốc (COP 15) đã đưa ra Tuyên bố Côn Minh nhằm đặt nền tảng cho Khuôn khổ Đa dạng sinh học Toàn cầu (GBF) sau năm 2020 trong việc đảo ngược cuộc khủng hoảng tuyệt chủng toàn cầu.
Trong bối cảnh này, Liên minh Tham vọng Cao về Thiên nhiên và Con người đang thúc đẩy việc đưa mục tiêu “30 × 30” vào để bảo vệ 30% trái đất vào năm 2030. Mục tiêu đã được G7 thông qua vào tháng 5/2021 và hiện liên minh có 68 quốc gia cùng các tổ chức phi chính phủ tham gia. Ngay cả Hoa Kỳ, tuy không phải là một bên của Công ước nhưng cũng đã phát tín hiệu nhiều khả năng sẽ áp dụng mục tiêu 30%. Tuy nhiên, theo Karl Burkart, Phó Giám đốc One Earth, “30 × 30″ không phải là mục tiêu chung cho tất cả, một số quốc gia cần vượt ra ngoài son số này để ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.
Chỉ với hơn 16% diện tích đất liền và vùng nước nội địa trên thế giới được bảo vệ chính thức, thế giới đã mất hơn 2/3 tổng số động vật có xương sống trên hành tinh kể từ năm 1970. Burkart cho rằng đây không chỉ là một thảm kịch đối với tự nhiên mà với cả nhân loại, do đó cần có cách tiếp cận dựa trên khoa học để thiết lập mục tiêu quốc gia trong khuôn khổ GBF.
Burkart trích dẫn khái niệm “Mạng lưới an toàn toàn cầu” được nêu trong tài liệu cùng tên năm 2020 mà ông là đồng tác giả để diễn giải cho “cách tiếp cận chung nhưng khác biệt”, trong đó mỗi quốc gia cần đặt ra mục tiêu dựa trên việc kiểm kê các vùng đất tự nhiên trong ranh giới của mình với nỗ lực chung là bảo vệ toàn bộ 50% bề mặt đất liền. Tài liệu do Mạng lưới an toàn toàn cầu (GSN) thực hiện với ba phát hiện chính:
- Khoảng 30% diện tích đất trên trái đất được xác định “có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc bảo vệ đa dạng sinh học”, một nửa trong số này đang được bảo vệ nhưng cần bảo tồn thêm 20% diện tích đất để đảo ngược cuộc khủng hoảng tuyệt chủng và ổn định hệ thống khí hậu toàn cầu. Công thức này được gọi là “30 +20”. Nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng mục tiêu 30 × 30 sẽ làm giảm tỷ lệ tuyệt chủng xuống khoảng một nửa và không đủ để đạt được mục tiêu dài hạn của GBF sau 2020.
- 30 × 30 không phải là mục tiêu phù hợp với tất cả, mỗi quốc gia cần đóng góp theo những cách riêng dựa trên sự kết hợp độc đáo môi trường sống tự nhiên và nguồn gen. Một số quốc gia có của cải sinh học khổng lồ, như Gabon, Colombia và Papua New Guinea, nên có các mục tiêu cao hơn. Các quốc gia khác, đặc biệt là ở các nước phát triển, đã chuyển đổi phần lớn đất đai sang sản xuất nông nghiệp, do đó có thể cân nhắc các mục tiêu thấp hơn để đảm bảo việc di dời các cộng đồng địa phương không xảy ra. Phân tích GSN của tất cả các quốc gia có diện tích lớn hơn 2000 km2 cho thấy khoảng 1/3 quốc gia trên thế giới được phân loại là “Tầm trung”, trong đó 30 × 30 đủ để làm mục tiêu tạm thời (màu xanh nhạt). Khoảng 1/3 là các quốc gia “Chuyển đổi cao” sẽ không có đủ đất cho mục tiêu 30 × 30 (màu vàng). Và 1/3 còn lại là các quốc gia “Đa dạng sinh học cao” với diện tích đất rộng lớn được coi là đặc biệt quan trọng trong bảo tồn các loài, đòi hỏi các mục tiêu dựa trên diện tích cao hơn nhiều (màu xanh đậm)
- Ít nhất 37% diện tích đất được xác định trong GSN là đất bản địa, do đó cần đảm bảo quyền hưởng dụng đất của người bản địa và phải cung cấp đầy đủ nguồn lực cho các chính phủ bộ lạc – chìa khóa cho sự thành công của Công ước về Đa dạng sinh học. Nhiều nhóm bản địa đã tích cực vận động hành lang cho mục tiêu toàn cầu lớn hơn 50%, giúp mở rộng cơ hội cho các cộng đồng bản địa trên thế giới tham gia vào GBF. Thậm chí, trong trường hợp vùng Amazon, họ đã kêu gọi đặt mục tiêu bảo tồn 80%. Các khuyến nghị cho cả mục tiêu 50% trên phạm vi toàn cầu và mục tiêu 80% Amazon đã được thông qua tại Đại hội gần đây của IUCN – nơi tập hợp các nhà khoa học bảo tồn lớn nhất thế giới.
Các khu vực bảo vệ cần bao gồm cả OECMs
Thông thường, khi nói đến khu bảo tồn, mọi người sẽ nghĩ đến một khu bảo tồn thiên nhiên được rào chắn, không bao gồm bất kỳ hoạt động nào của con người. Nhưng thực tế cho thấy có một loạt các lựa chọn quản lý đất đai có thể được tính vào các mục tiêu dựa trên diện tích theo GBF, trong đó có các biện pháp bảo tồn dựa trên khu vực hiệu quả khác (OECM).
OECM’s là những cảnh quan đang làm việc có hiệu quả nhưng có mục tiêu là hỗ trợ đa dạng sinh học. Gần đây, các nhà khoa học châu Phi đã công bố khái niệm “trái đất được chia sẻ” để thông báo cho GBF sau năm 2020 cần liên kết đa dạng sinh học và con người trên nhiều loại cảnh quan, kêu gọi nâng cao vai trò của các OECM trong việc bảo tồn thiên nhiên trên toàn thế giới.
Nhiều khu vực cảnh quan, nhất là các vùng lãnh thổ bản địa, đóng góp to lớn vào cả đa dạng sinh học và lưu trữ các-bon. Chúng cần được công nhận trong các mục tiêu dựa trên khu vực theo GBF và được hỗ trợ phù hợp, đảm bảo quyền sử dụng đất của các cộng đồng. Ngược lại, một số hệ sinh thái rất mỏng manh cần có các phương pháp bảo tồn chính thức mạnh mẽ hơn.
Linh Vy (Theo Mongabay)