Theo WHO, các quốc gia phải đặt ra những cam kết đầy tham vọng về vấn đề môi trường quốc gia nếu muốn duy trì sự phục hồi xanh và lành mạnh từ đại địch COVID-19.
Báo cáo Biến đổi Khí hậu và Sức khoẻ của WHO
Mới đây, theo Báo cáo Biến đổi Khí hậu và Sức khoẻ trước thềm Hội Nghị Thượng Đỉnh Biến đổi khí hậu lần thứ 26 của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland, quy định của cộng đồng y tế toàn cầu về hành động khí hậu đã được đưa ra, dựa trên một nghiên cứu về mối liên hệ không thể tách rời giữa khí hậu và sức khoẻ.
Tại đây, TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus – Tổng Giám đốc WHO – cho biết: “Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ mối quan hệ mật thiết giữa môi trường, con người và động vật. Những lựa chọn mang tính bất ổn huỷ hoại hành tinh của chúng ta khiến loài người đứng trước hiểm hoạ về tính mạng.
WHO kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết hành động dứt khoát tại COP26 để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Đây không đơn thuần là một điều đúng đắn cần làm, mà hơn cả, đó chính là vì lợi ích của chúng ta. Báo cáo mới của WHO nhấn mạnh 10 việc ưu tiên để đảm bảo sức khoẻ cho con người và hành tinh của chúng ta”.
Được ký bởi trên hai phần ba nguồn nhân lực toàn cầu – 300 tổ chức với ít nhất 45 triệu bác sĩ và chuyên gia y tế trên toàn thế giới, báo cáo này của WHO kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia và các đại biểu COP26 tăng cường hoạt động vì khí hậu.
Báo cáo được đưa ra khi các hiện tượng thời tiết không mong đợi cùng những tác động khí hậu khác đang ngày càng đe doạ mạng sống và sức khoẻ con người như: Bão lũ, sóng nhiệt đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, huỷ hoại cuộc sống của hàng triệu người, đe dọa hệ thống chăm sóc và cơ sở y tế khi cần đến nhất.
Biến đổi khí hậu cũng là hiểm hoạ với vấn đề lương thực, gia tăng các vấn đề an toàn thực phẩm cũng như nguy cơ với các bệnh dịch lây truyền qua đồ ăn thức uống, cùng với đó là những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của con người.
Báo cáo của WHO khẳng định: Việc đốt nhiên liệu hoá thạch đang huỷ hoại chúng ta. Biến đổi khí hậu là mối đe doạ lớn nhất với loài người bởi lẽ, không ai có thể an toàn khi biến đổi khí hậu tác động đến sức khoẻ.
Ô nhiễm môi trường, hệ luỵ đầu tiên của việc đốt nhiên liệu hoá thạch cũng là nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu và mỗi phút gây ra 13 ca tử vong trên toàn thế giới.
Báo cáo kết luận rằng, để bảo vệ sức khoẻ của con người thì đòi hỏi phải có hành động trong từng lĩnh vực, bao gồm năng lượng, giao thông, thiên nhiên, hệ thống thực phẩm và tài chính.
Theo TS. Maria Neira – Giám đốc về Biến đổi Khí hậu, Môi trường và sức khoẻ của WHO: Một thực tế chưa từng bao giờ rõ ràng hơn lúc này, đó là, khủng hoảng về khí hậu chính là một trong những cảnh báo sức khoẻ khẩn cấp nhất mà chúng ta phải đối mặt. Chẳng hạn, việc giảm mức độ ô nhiễm môi trường theo hướng dẫn của WHO sẽ làm giảm thiểu số ca tử vong do ô nhiễm tới 80%, đồng thời giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính gây ra biến đổi khí hậu. Hay, việc bổ sung dinh dưỡng với những chế độ thiên về rau củ quả mà WHO khuyến nghị cũng làm giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu, hạn chế số ca tử vong liên quan đến chế độ dinh dưỡng tới 5,1 triệu ca mỗi năm vào năm 2050.
Việc đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris sẽ cứu sống hàng triệu người mỗi năm nhờ cải thiệt chất lượng không khí, chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất cùng những lợi ích khác.
10 lời kêu gọi của WHO hành động vì Khí hậu và Sức khoẻ
Báo cáo của COP26 bao gồm 10 khuyến nghị, kêu gọi hành động vì khí hậu để đảm bảo phục hồi bền vững.
1. Cam kết phục hồi sức khoẻ, cam kết phục hồi xanh và lành mạnh hậu COVID-19
2. Sức khoẻ là điều không thể thương lượng
3. Khai thác những lợi ích sức khoẻ từ hành động vì khí hậu
4. Xây dựng khả năng phục hồi sức khoẻ đối với các hiểm hoạ khí hậu
5. Tạo lập hệ thống năng lượng giúp bảo vệ, cải thiện khí hậu và sức khoẻ
6. Phát triển hệ thống giao thông, môi trường và đô thi thị xanh – hiện đại.
7. Bảo vệ và phục hồi thiên nhiên là nền tảng của sức khoẻ.
8. Thúc đẩy hệ thống thực phẩm lành mạnh, ổn định và linh hoạt.
9. Tài trợ cho tương lai lành mạnh hơn, công bằng hơn và xanh hơn để bảo vệ chính chúng ta.
10.Lắng nghe cộng đồng sức khoẻ và quy định hoạt động khẩn cấp về khí hậu.