Ngay ở thời điểm đại dịch COVID-19 chưa lui, sự ra đời của một chương trình nghiên cứu và sản xuất vaccine cho người đến năm 2030 cho thấy tầm nhìn xa, thậm chí là đầy tham vọng, của Việt Nam, quốc gia thuộc về một trong những khu vực được coi là “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi.
Các mục tiêu tham vọng ấy, ắt hẳn, sẽ đi kèm với nhiều thách thức không thể tránh khỏi.
Vào ngày 1/10/2021, lúc mọi người có thể tạm thở phào nhẹ nhõm trước cảnh Hà Nội và TP.HCM bắt đầu kiểm soát được làn sóng thứ tư của COVID-19 thì cũng là lúc Quyết định 1657/QĐ-TTg về Chương trình KH&CN Nghiên cứu, sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030 chính thức được ban hành. Đây là một chương trình cấp quốc gia đầu tiên do Bộ KH&CN quản lý về sản phẩm vaccine cho người, nếu không kể đến sự xuất hiện của các đề tài, dự án R&D vaccine cho người từng xuất hiện một cách đơn lẻ tại một vài chương trình quốc gia như Chương trình quốc gia KC10, Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia. Đại dịch COVID đã khiến các nhà quản lý và chuyên môn có một cái nhìn toàn toàn khác về vacccine. Có lẽ giờ đây, quan điểm về đầu tư phát triển vaccine đã trở nên rõ ràng hơn và hệ thống hơn. “Chúng ta cần phải chuẩn bị cho những đại dịch tương lai. Bởi Việt Nam là điểm nóng của rất nhiều bệnh truyền nhiễm bệnh mới nổi khi hội tụ đầy đủ các điều kiện môi trường của bệnh dịch như sự đa dạng sinh học cao, nhiều rừng núi, bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, điều kiện vệ sinh dịch tễ kém…”, PGS. TS Lê Thị Lý, một chuyên gia về thiết kế thuốc và cúm A tại ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), cho biết.
Nhiều tham vọng về vaccine
Đó là nhận xét chung không chỉ của các chuyên gia nghiên cứu Việt Nam đang hoạt động trong nước và quốc tế mà còn của một số nhà sản xuất vaccine khi nhìn vào mục tiêu của chương trình. Nếu nhìn vào số lượng, người ta không khỏi thấy tự hào “đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 3 loại vaccine; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vaccine và sản xuất được tối thiểu 5 loại vaccine”. Còn nếu nhìn vào các nền tảng công nghệ làm ra các vaccine mục tiêu này, người ta không khỏi thấy choáng váng khi “đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ truyền thống, ưu tiên công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus v.v… phục vụ sản xuất vaccine COVID-19, vaccine ung thư, vaccine phối hợp nhiều thành phần và các vaccine khác…”.
Theo đà này, Việt Nam sẽ có chuyển biến mạnh về chất và lượng trong nghiên cứu sản xuất vaccine: không chỉ là vaccine phòng bệnh (prophylactic vaccine) mà còn tiến tới vaccine điều trị (therapeutic vaccine) – vốn chưa có nhiều quốc gia trên thế giới làm được – trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau, trong đó có cả công nghệ vaccine thế hệ mới là mRNA. Điều này thực sự là một quan điểm tích cực bởi hiện nay, ngay cả các hãng thành công với việc ứng dụng công nghệ mNRA sản xuất vaccine COVID -19 như Pfizer hay Moderna đã bắt đầu chuyển hướng, rót tiền đầu tư vào R&D một số loại vaccine chống ung thư. Các nhà chuyên môn đã nhìn thấy những không gian mới đầy hữu dụng của công nghệ này cho nhiều mục tiêu khác nhau.
Hiện tại, Việt Nam đã thành thạo trong sản xuất một số vaccine trong và ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng như sởi, rota, lao, uốn ván, viêm não Nhật Bản, bạch hầu – uốn ván, tả, viêm gan A, viêm gan B, thương hàn, cúm… trên các nền tảng công nghệ khác nhau, từ công nghệ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ hai như bất hoạt/nhược độc, vector virus, tiểu đơn vị tái tổ hợp… Các nhà nghiên cứu và sản xuất trong nước đã khá thuần thục trong việc nuôi cấy vi khuẩn cho sản xuất vaccine trên các môi trường thích hợp như nấm men, tế bào thận khỉ, trứng gà có phôi… Tuy nhiên việc tiếp tục làm chủ một số công nghệ vaccine thế hệ mới để có thể tự chủ làm vaccine mới và vaccine đại dịch – vốn đòi hỏi khả năng làm ra một lượng lớn vaccine và đạt chi phí đủ rẻ để có thể cung cấp đại trà cho một số lượng người dùng cực lớn trong một khoảng thời gian đủ ngắn, bao giờ cũng là điều cần thiết. Thực tế cho thấy, là một nước nhiệt đới gió mùa và nằm trên một khu vực đa dạng sinh học cao, Việt Nam luôn phải sẵn sàng đối đầu với một loạt bệnh truyền nhiễm và bệnh mới nổi mà rất có nhiều nguy cơ chuyển thành đại dịch. Việc đa dạng công nghệ vaccine và thuần thục các kỹ thuật thao tác trong quá trình R&D sẽ là cơ hội để Việt Nam vượt qua được những thách thức của bệnh dịch.
Có thể, đó là suy nghĩ của những người tham gia xây dựng Chương trình KH&CN Nghiên cứu, sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030.
Nhiều thách thức phía trước
Có một quy luật mà những người làm nghề vaccine đều thuộc lòng, đó là không thể không có tham vọng trong cuộc cạnh tranh làm ra những vaccine mới và làm chủ những nền tảng công nghệ mới nhưng đi kèm với nó bao giờ cũng là thách thức. Không dễ làm chủ một công nghệ mới, lại càng không dễ để đưa công nghệ ấy vào một sản phẩm một cách thành công như mong muốn. Hầu như nhà sản xuất vaccine nào cũng cảm thấy dè dặt khi nói về sự “ăn chắc” của một công nghệ mới hoặc một sản phẩm mới, cho dù họ đã rất thuần thục.
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nó hiện hữu ngay tại một nhà sản xuất vaccine có tiếng của Việt Nam là Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), nơi đã nhiều năm tiếp nhận công nghệ của Viện Kitasato, Nhật Bản để sản xuất vaccine sởi – một vaccine virus sống, giảm độc lực được sản xuất trên tế bào phôi gà SPF tiên phát. Những tưởng sự thuần thục về công nghệ khiến cho POLYVAC có đầy đủ cơ hội thành công trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine COVID-19 dựa trên chính con virus gây bệnh sởi, chỉ cần điều chỉnh, thay thế bằng việc cấy protein gai của virus SARS-CoV-2 là đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, đằng sau việc cấy ghép này đòi hỏi một chuỗi những kỹ thuật hóa học, sinh học phân tử hết sức tinh tế (và cần cả may mắn) trên cơ sở những hiểu biết cơ bản về protein, virus, cơ chế hoạt động của nó… Đó là lý do mà đến nay, chưa thấy POLYVAC đề cập đến kết quả phát triển vaccine COVID-19, mặc dù trong một cuộc họp ở Bộ KH&CN vào giữa năm 2020, họ đã tiết lộ thông tin về việc bắt tay vào thực hiện. Một nhà quan sát làm việc trong một tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã bình luận là “không biết đến ‘đời nào’ POLYVAC mới có thể làm được”.
Với những thách thức như vậy, dường như việc đặt những mục tiêu đầy tham vọng của Chương trình cũng là sức ép cho chính những người tham gia. Các nền tảng công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus… hứa hẹn những cơ hội mới cho các nhà sản xuất và tạo điều kiện cho họ có được những sản phẩm mới nhưng quả thật khi đưa vào thực tế thì không bao giờ dễ dàng. Nó đòi hỏi sự tích lũy về thời gian. Có thể thấy ngay ví dụ về điều này ngay ở Việt Nam, với trường hợp phát triển vaccine COVID đang rất tiềm năng của Công ty Nanogen và Công ty IVAC. Hai công nghệ mà họ triển khai đều là công nghệ họ đã làm chủ khoảng 10 đến 15 năm. Không có giấc mơ làm chủ công nghệ trong một thời gian ngắn, nhất là với lĩnh vực sản xuất vaccine. Vì vậy, Peter J. Hotez, Maria Elena Bottazzi, và Prashant Yadav – nhóm các nhà nghiên cứu, phát triển vaccine ở trường Y Baylor, trường Y Harvard đã cho rằng việc sản xuất vaccine đòi hỏi nhiều thứ hơn một bằng sáng chế, khi các chính trị gia kêu gọi các hãng giữ bằng sáng chế vacccine mRNA mở quyền sử dụng sáng chế.
Nếu nói riêng về nền tảng công nghệ vaccine thế hệ mới như mRNA thì ngay cả Sanofi, công ty dược phẩm đa quốc gia của Pháp và lớn thứ năm trên thế giới, cũng mới nếm mùi thất bại. Sanofi được biết đến như một nhà sản xuất vaccine cúm trên công nghệ trứng gà có phôi, tuy nhiên, họ chọn công nghệ mới mRNA để phát triển vaccine COVID-19. Không ai rõ Sanofi chuẩn bị cho công nghệ này được bao lâu nhưng rút cục, họ đã chậm chân hơn Pfizer, Moderna tới mức, khi đối thủ đã được chấp nhận cấp phép khẩn cấp, thậm chí ngay cả khi Pfizer được cấp phép hoàn chỉnh, họ vẫn còn ở giai đoạn hai thử nghiệm lâm sàng. Do đó, vào cuối tháng chín vừa qua, họ đã tuyên bố dừng phát triển vaccine COVID.
Cần xây dựng cả hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vaccine
Để vượt qua những thách thức này, các nhà nghiên cứu phát triển và sản xuất vaccine cần một không gian hỗ trợ, một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Không ai có thể đi một mình cả, nhất là đối với những nhà sản xuất dám đầu tư vào việc làm chủ một công nghệ mới.
Vậy hệ sinh thái vaccine này gồm những ai? Các chuyên gia cho rằng, một hệ sinh thái như vậy cần đủ thành phần tham gia, bao gồm các viện nghiên cứu, các cơ quan chính phủ, các tổ chức sức khỏe, các nhà sản xuất, các nhóm bệnh nhân. Mỗi thành viên đều có vai trò riêng biệt của mình và tác động đến hành xử của thành viên khác trong hệ sinh thái:
Các cơ quan điều hành của chính phủ thiết lập các hướng dẫn về các vaccine chất lượng cao, an toàn và hiệu lực.
Các viện nghiên cứu y tế công cộng xác định các chính sách/chương trình về vaccine theo đặc điểm của miễn dịch học, các vaccine hiện có, lợi ích – rủi ro với từng nhóm dân số.
Các viện nghiên cứu/trường đại học chuyên ngành công nghệ sinh học, vi khuẩn… thực hiện các nghiên cứu cơ bản.
Các tổ chức điều phối vaccine lập kế hoạch nhập vaccine trên cơ sở yêu cầu, chương trình miễn dịch và ngân sách của chính phủ.
Các nhà sản xuất phát triển và nhập vaccine với chất lượng và tiêu chuẩn theo yêu cầu, thậm chí có thể xuất khẩu vaccine.
Các tổ chức y tế hoàn thiện chính sách vaccine và hướng đến số người thụ hưởng.
Người dân có thể truy cập và tiếp cận thông tin chính xác về loại vaccine họ cần.
Trong bài viết nhận được sự chia sẻ lớn trên mạng xã hội, ngay cả từ Việt Nam, Peter J. Hotez, Maria Elena Bottazzi, và Prashant Yadav đã nêu “việc chuyển giao hiệu quả của công nghệ vaccine phức tạp đòi hỏi cả một hệ sinh thái tiếp nhận mà việc xây dựng nó có thể mất nhiều năm, đôi khi hàng thập kỷ” với đội ngũ nhà khoa học và kỹ thuật, các quản trị viên lưu giữ hồ sơ chi tiết, bao gồm các tài liệu như hồ sơ sản xuất theo lô; hệ thống kiểm soát chất lượng mạnh mẽ và các hàng rào bảo vệ theo quy định. Việc xây dựng một cơ sở hạ tầng như vậy đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu, thường là đầu tư tài chính đáng kể ẩn chứa nhiều rủi ro và cần có thời gian”. Đây là lý do mà PATH, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, khi tham gia điều phối một liên minh vaccine quốc tế mà IVAC tham gia, đã đầu tư đồng bộ cho sản xuất (IVAC), kiểm định, thực nghiệm lâm sàng (NIHE), quản lý, cấp phép (Bộ Y tế).
Mục tiêu của việc thiết lập hệ sinh thái này không chỉ để thuận lợi hơn cho việc R&D công nghệ, chuyển giao công nghệ mà còn nhằm thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực vaccine, trong đó thiết lập các chính sách liên quan đến chi phí đầu tư và xu hướng tạo ra những sản phẩm ít tốn kém về chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao để giảm thiểu ngân sách đầu tư cho vaccine, đồng thời tối ưu hóa quá trình phát triển và cấp phép vaccine, tránh xảy ra độ trễ trong cấp phép.
Với chiến lược phát triển vaccine cho người mới được thông qua, dù liên quan nhiều đến công nghệ, nhưng có lẽ có một điểm vẫn cần chú ý: không thể thiếu sự đầu tư của nhà nước về nghiên cứu cơ bản liên quan đến vaccine. Vào năm 2020, Pfizer hay Moderna sản xuất được vaccine mRNA cũng là thừa hưởng những hiểu biết tích tụ trong vài chục năm mà điểm xuất phát là vào những năm 1960, khi các nhà khoa học phát hiện ra chức năng của mRNA, sau đó tạo ra hạt màng chất béo liposome bao bọc nó rồi đưa mRNA vào trong tế bào và biểu hiện protein… Những hiểu biết cơ bản đó sẽ là nền tảng để các nhà nghiên cứu hợp lực với các nhà phát triển vaccine tạo ra những kiến thức có thể ứng dụng ngay trong quá trình triển khai ở quy mô phòng thí nghiệm. Từ đấy, thành công hay thất bại mới chỉ bắt đầu.
Dường như việc đặt những mục tiêu đầy tham vọng của Chương trình cũng là sức ép cho chính những người tham gia. Các nền tảng công nghệ mRNA, công nghệ protein tái tổ hợp, công nghệ vector virus… hứa hẹn những cơ hội mới cho các nhà sản xuất và tạo điều kiện cho họ có được những sản phẩm mới nhưng quả thật khi đưa vào thực tế thì không bao giờ dễ dàng. Nó đòi hỏi sự tích lũy về thời gian. |
Chương trình KH&CN Nghiên cứu, sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030 đã nêu rõ cơ chế đặc thù hỗ trợ nghiên cứu sản xuất vaccine: a) Tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine được hưởng chính sách ưu đãi như sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và công nghệ được khuyến khích chuyển giao. b) Đối với vaccine phòng chống đại dịch được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí dành cho nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất thử nghiệm, kiểm định, mua bảo hiểm và hỗ trợ kinh phí cho người tình nguyện. c) Tiếp tục xem xét hỗ trợ trong Chương trình này các vaccine đã được phê duyệt trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia và các vaccine dự kiến triển khai trong các đề án của ngành Y tế. |