Hiện dự thảo hướng dẫn ứng phó, giám sát Sars-CoV-2 trên động vật đã được lấy ý kiến của các địa phương, đang chờ lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế, dự kiến trong một vài tuần tới sẽ ban hành.
Chiều 13-10, trao đổi với PLO, ông Phan Quang Minh, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), cho biết cơ quan này đang xây dựng dự thảo hướng dẫn ứng phó, giám sát Sars-CoV-2 trên động vật.
Hiện dự thảo đã lấy ý kiến của các địa phương, đang chờ lấy ý kiến của các chuyên gia quốc tế, dự kiến trong một vài tuần tới sẽ ban hành.
Ông Minh cho biết, kể từ tháng 8-2021, Bộ NN&PTNT đã có công văn chỉ đạo chung về công tác phòng chống dịch COVID-19, trong đó có nêu việc tăng cường giám sát virus Sars-CoV-2 trên động vật. Tuy nhiên, vấn đề này còn mới, nên chưa có hướng dẫn cụ thể về mặt kỹ thuật.
Từ tháng 9 đến nay, Cục đã liên hệ với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã… để cùng xây dựng dự thảo hướng dẫn giám sát.
“Về cơ bản đến giờ họ cũng góp ý rất đầy đủ, tất cả các vấn đề về lấy mẫu, xét nghiệm, hay việc chăm sóc vật nuôi như thế nào trong tình huống chủ nuôi bị nhiễm bệnh phải đi cách ly… Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp nếu giám sát mà phát hiện vật nuôi dương tính thì xử lý như thế nào là chưa thống nhất được” – ông Minh nói.
Lý do, theo đại diện Cục Thú y, với các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên động vật như cúm gia cầm thì phải tiến hành tiêu hủy. Nhưng với virus Sars-CoV-2 đến nay vẫn chưa có bằng chứng là vật nuôi mang virus này sẽ lây sang người. Cạnh đó, với vật nuôi như chó nuôi cũng liên quan đến vấn đề phúc lợi động vật.
“Trên thế giới, một số nước đã phát hiện lây truyền virus Sars-CoV-2 từ con người sang vật nuôi. Tuy nhiên, bằng chứng lây ngược từ chó, mèo sang người thì chưa có. Sắp tới lãnh đạo Cục cũng chỉ đạo tiếp tục họp với các tổ chức bảo vệ động vật, phúc lợi động vật để bàn về hướng xử lý những trường hợp này như thế nào.
Hiện thế giới cũng chưa có kinh nghiệm cụ thể về trường hợp này. Như FAO cũng đang dự thảo các hướng dẫn khuyến cáo, chúng tôi đã xin ý kiến nhưng họ chưa trả lời trực tiếp, vì vấn đề này cũng mới” – ông Minh cho biết.
Theo Cục Thú y, cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp vật nuôi nào dương tính với COVID-19.
Từ cuối tuần qua, câu chuyện đàn chó 15 con theo vợ chồng ông Phạm Minh Hùng về quê và có 13 con bị tiêu hủy tại Cà Mau do chủ của chúng xét nghiệm dương tính với virus Sars-CoV-2 đã gây xôn xao dư luận.
UBND huyện Trần Văn Thời xác định phải tiêu hủy đàn chó này bởi chủ nhân đã dương tính với COVID-19 và có một con qua xét nghiệm dương tính với một loại virus. Tuy nhiên, loại virus gì thì phía UBND huyện Trần Văn Thời chưa thông tin cụ thể.
Cục Thú y cho biết, ngành thú y đã được FAO, OIE tập huấn, báo cáo sang Bộ Y tế để Bộ Y tế thẩm định các phòng xét nghiệm thú y có thể xét nghiệm được SARS-CoV-2 trên người. Đồng thời, nội bộ ngành thú y cũng tự đánh giá theo quy định, có 7 vùng, trung tâm chẩn đoán, xét nghiệm SARS-CoV-2 trên động vật.
Theo chỉ đạo trong ngành thú y thì Chi cục Thú y vùng 7 được giao nhiệm vụ xét nghiệm và kết luận chó có nhiễm hay không nhiễm SARS-CoV-2 hay không.
Trước đó, thông tin đến PLO, Tổ chức Động vật Châu Á cho biết sẽ kiến nghị Bộ Y tế, Cục Thú y đưa ra hướng dẫn rõ ràng, cụ thể và nhân đạo với động vật cho các đơn vị thực thi về việc cách ly thú cưng của những người dân phải cách ly do mắc COVID -19 hoặc nghi mắc COVID -19.