Bắc Kinh có mục tiêu tham vọng về cắt giảm khí thải, nhưng nước này dường như chưa thể từ bỏ năng lượng than trong tương lai gần vì những mục tiêu kinh tế khác.
Hơn một nửa số tỉnh của Trung Quốc đã cắt giảm điện trong vài tuần qua, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của hàng chục triệu người.
Thang máy tắt, giờ mở cửa của các cửa hàng rút ngắn và các nhà máy phải giảm ngày hoạt động cũng như tiêu thụ điện năng. Một số tỉnh trải qua tình trạng mất điện hoàn toàn. Trong khi đó, vào tháng 9, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến sản lượng công nghiệp giảm kể từ khi bắt đầu phục hồi sau phong tỏa COVID-19.
Đây là cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong một thập kỷ.
Nguyên nhân trước mắt được cho là do Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than, nguồn cung cấp 70% sản lượng điện của nước này. Bên cạnh đó, giá điện trả cho các nhà máy phát điện do chính quyền trung ương quy định, trong khi giá than do thị trường quy định. Khi giá than tăng, trừ khi các cơ quan quản lý tăng giá điện, việc các nhà máy điện than tiếp tục cung cấp điện sẽ không còn ý nghĩa kinh tế. Sau đó, các nhà máy chỉ có thể tránh thua lỗ bằng cách tuyên bố rằng họ gặp trục trặc kỹ thuật hoặc không mua được than, hoặc khai thác đến cạn kiệt nguồn than dự trữ, tất cả đều đã xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay.
Nhưng lý do của cuộc khủng hoảng cũng có thể bắt nguồn từ một chuỗi các sai lầm về chính sách và các biện pháp can thiệp thị trường sau đại dịch. Với khủng hoảng thiếu điện, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào năng lượng than tiếp tục trở nên rõ ràng, ngay cả khi thị phần năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân đang gia tăng.
Giá điện tạo ra nghịch lý
Giá điện quy định nhằm bảo vệ người sử dụng điện khỏi rủi ro về giá. Bắc Kinh thường chậm tăng giá vì công chúng chú ý đến điều này.
Sự phục hồi của Trung Quốc sau cú sốc kinh tế do đại dịch phụ thuộc quá nhiều vào xây dựng và công nghiệp nặng, khiến nhu cầu than tăng 11% trong nửa đầu năm 2021. Xu hướng ngắn hạn này mâu thuẫn với lời kêu gọi của Bắc Kinh về “phục hồi xanh” và các cam kết tăng cường nhằm giảm lượng khí thải.
Nhu cầu than tăng đồng nghĩa với việc thị trường thiếu hàng. Nhưng Trung Quốc muốn chống lạm phát giá sản xuất và giá điện tăng cao không phù hợp với chương trình nghị sự đó. Vì vậy, khi giá nhiên liệu bắt đầu tăng do sự phục hồi toàn cầu và nhu cầu tăng cao, các nhà quản lý đã thực hiện các hành động kiểm soát việc tăng giá than và thậm chí đang xem xét đưa ra mức giá trần chính thức. Điều này có nghĩa là các công ty khai thác than Trung Quốc không thể tính mức giá cao như các công ty khác trên thị trường ở nước ngoài.
Ngoài ra, nỗ lực của Bắc Kinh vào cuối năm 2019 khi giới thiệu cơ chế giá linh hoạt dường như đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Theo đó các nhà máy năng lượng có khả năng đàm phán các hợp đồng dài hạn với đơn vị vận hành lưới điện trong một biên độ giá nhất định. Điều này cho phép các nhà máy thương lượng với lợi nhuận cao hơn, nhưng như một số cảnh báo, nó có tác dụng ngược lại. Vì khi nhà máy điện than cung cấp vượt nhu cầu, nhà điều hành lưới điện mới có quyền định giá và các nhà phát điện đã đặt giá thầu thấp, tiếp tục hạ giá. Trong khi đó, ưu tiên rõ ràng của chính phủ về việc giảm giá điện tạo thêm áp lực.
Việc không tăng giá điện và đẩy lùi giá than tăng đồng nghĩa với việc các nhà máy than phải cắt giảm lượng mua than và thay vào đó là khai thác lượng dự trữ. Các mỏ than vì vậy cũng không tăng sản lượng kịp thời.
Hiện các nhà máy điện than Trung Quốc cạn kiệt nguồn cung trong nhiều tháng. Dự trữ than được báo cáo tại các nhà máy điện lớn bắt đầu giảm xuống dưới mức trung bình một năm trước và vào cuối tháng 8 đã giảm 37% so với cùng thời điểm năm ngoái, theo dữ liệu từ Wind Financial Terminal.
Phụ thuộc vào than
Tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết mức phát thải carbon của nước này sẽ bắt đầu giảm từ năm 2030, hướng đến đạt được tình trạng trung hòa carbon (lượng thải ra bằng lượng hấp thụ) vào 4 thập kỷ sau – năm 2060.
Tuy nhiên, trong thời gian này, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng thể hiện rõ rằng phát triển kinh tế đang là ưu tiên hàng đầu – Bắc Kinh có mục tiêu tăng trưởng GDP 6% vào năm 2021, mức độ mà các nhà phân tích cho rằng sẽ giúp cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề mang tính dài hạn như nợ.
Và sự phát triển kinh tế này đang phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng than.
“Năng lượng than thống trị cấu trúc năng lượng của Trung Quốc. Đây là thực tế khách quan”, theo Su Wei, Phó Tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc. Ông Wei đưa ra bình luận hồi tháng 4 sau khi Chủ tịch Tập có bài phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ dẫn đầu.
“Bởi vì năng lượng tái tạo từ các nguồn như gió và năng lượng mặt trời không liên tục và không ổn định, chúng tôi phải dựa vào một nguồn năng lượng ổn định. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Trong một thời gian, chúng tôi có thể cần sử dụng năng lượng than như một nguồn năng lượng linh hoạt”.
Ông nói thêm rằng trong khi than có sẵn thì năng lượng tái tạo ở Trung Quốc vẫn cần phát triển sâu hơn.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã thắt chặt phát thải carbon trong năm nay, với định hướng cụ thể như việc kêu gọi giảm sản xuất tại trung tâm thép Đường Sơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn đang xây thêm nhà máy năng lượng than. Theo thống kê của tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, năm 2020, Trung Quốc đã xây dựng số nhà máy năng lượng than mới có công suất nhiều gấp ba phần còn lại của thế giới cộng lại.
Chính phủ Trung Quốc muốn giảm sự phụ thuộc vào năng lượng carbon trong tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia 20%, từ giờ đến năm 2025. Nhưng theo các nhà phân tích, giảm giá năng lượng tái tạo là không đủ để tạo nên làn sóng chuyển đổi lớn cho các ngành công nghiệp.
“Chúng tôi tin rằng hệ thông hiện tại vẫn ưu tiên đáng kể năng lượng than, một phần vì nó ổn định hơn và ít đối mặt với sự thay đổi như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Khả năng tiếp cận thị trường không ổn định cũng đã khiến dòng đầu tư vào năng lượng tái tạo chậm đi. Xem xét năng lượng than và các lợi ích của nó, việc chuyển đổi sẽ cần ý chí chính trị đáng kể”, báo cáo của các nhà phân tích công ty tài chính China Renaissance nhận định.
Một số giải thích khác về vấn đề thiếu điện cũng được đưa ra ở Trung Quốc, nhưng đều chưa giải thích đầy đủ được lý do tình trạng thiếu điện hiện tại xảy ra.
Các nhà khai thác lưới điện cho rằng các vấn đề là do nhu cầu tăng cao, mặc dù ngành bất động sản chững lại và nhiệt độ thấp hơn đã khiến nhu cầu giảm xuống từ sau mùa hè. Những người phản đối các chương trình vì khí hậu thì cho rằng việc phân bổ điện do chính quyền địa phương thực hiện nhằm nỗ lực đáp ứng các mục tiêu tiêu thụ năng lượng, hoặc các mục tiêu khí hậu rộng lớn hơn, là nguyên nhân. Một số ý kiến khác ám chỉ nỗ lực chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo như một yếu tố gây mất điện và đặt câu hỏi về việc liệu lệnh cấm nhập khẩu than Australia của Trung Quốc có góp phần vào cuộc khủng hoảng hay không.
Trong ngắn hạn, để có đủ điện dùng và vượt qua mùa đông, nghĩa là tăng nguồn cung cấp than và giá điện, có thể là điều Bắc Kinh muốn tập trung vào. Đồng thời, cuộc khủng hoảng có thể xem là bằng chứng đáng báo động về việc nền kinh tế nước này dễ bị tổn thương như thế nào trước nhiên liệu hóa thạch.
Nỗ lực cải cách giá điện và tăng nguồn cung cấp than cũng sẽ không dễ dàng. Cuối cùng, với hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sắp tới ở Glasgow, Scotland, thế giới sẽ biết được khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng như thế nào đến quyết tâm giải quyết biến đổi khí hậu, rời xa than đá của Trung Quốc.