Ngày 11/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cùng khoảng 3/4 nhân viên chăm sóc sức khỏe toàn cầu đã kêu gọi các chính phủ đẩy mạnh hành động khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), và cho rằng điều này có thể cứu sống hàng triệu người mỗi năm.
Báo cáo của WHO về biến đổi khí hậu và y tế kêu gọi hành động chuyển đổi trong mọi lĩnh vực gồm năng lượng, giao thông và tài chính, cho biết, lợi ích sức khỏe cộng đồng của các hành động khí hậu đầy tham vọng vượt xa chi phí.
“Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang giết chết chúng ta. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt”, WHO cho biết vào ngày 11/10.
Trước đó, WHO đưa ra con số khoảng 13,7 triệu ca tử vong mỗi năm, tương đương 24,3% tổng số toàn cầu, là do các rủi ro về môi trường như ô nhiễm không khí và phơi nhiễm hóa chất.
Không rõ chính xác có bao nhiêu trong số đó có liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu, nhưng Tiến sĩ Maria Neira, Vụ trưởng Vụ Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO cho biết, khoảng 80% số ca tử vong do ô nhiễm không khí có thể được ngăn chặn thông qua việc tuân thủ các hướng dẫn của tổ chức này.
Ông Diarmid Campbell-Lendrum, phụ trách về vấn đề biến đổi khí hậu của WHO cho biết, biến đổi khí hậu cũng gây ra một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết và sốt rét, gây ra cái chết ở một số khu vực nghèo nhất thế giới.
Báo cáo của WHO được công bố trùng với một lá thư được sự ủng hộ của hơn 400 cơ quan y tế đại diện cho hơn 45 triệu y tá, bác sĩ và chuyên gia y tế cũng kêu gọi hành động khí hậu.
Tiến sĩ Ruth Etzel, đại diện Hiệp hội Nhi khoa quốc tế cho biết: “Các bác sĩ nhi khoa đang lên tiếng vì chúng tôi biết rằng sức khỏe của con người và sức khỏe của khí hậu là một”.
Tuần trước, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã công nhận quyền được tiếp cận với môi trường trong sạch và lành mạnh là quyền cơ bản của con người, góp phần tăng thêm sức nặng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trà Lam (Theo Reuters)