Các đợt mưa lớn năm 2020, đã gây ra nhiều điểm sạt lở tại một số tuyến đường đi qua lâm phận Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng gây thiệt hại về diện tích rừng. Vì vậy, để phục hồi môi trường rừng Ban Quản lý Vườn nhanh chóng phối hợp với một số đơn vị triển khai trồng lại các diện tích rừng đã mất tại các điểm sạt lở.
Theo thông kê mưa lũ năm 2020, đã gây ra 26 điểm sạt lở tại tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường 20 Quyết Thắng, huyện Bố Trạch. Các điểm sạt lở nằm ở phần mái taluy âm gây thiệt hại gần 2ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Việc mất rừng đã phá vỡ hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia.
Ông Phạm Hồng Thái – Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, cho biết 26 điểm sạt lở này gây mất rừng và gây ra nhiều hệ lụy như xói món, rửa trôi, làm ảnh hưởng đến đa dạng sinh học của Vườn quốc gia.
“Được sự hỗ trợ của nhóm Thiện nguyện mang tên “ Nhóm bạn Sài gòn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã tiến hành khảo sát và trồng lại các diện tích rừng đã mất với tổng kinh phí 187 triệu đồng. Trong đó, “ nhóm bạn Sài Gòn” hỗ trợ 120 triệu đồng, còn lại là nguồn kinh phí của Ban Quản lý Vườn. Chúng tôi đánh giá rất cao việc làm ý nghĩa này của nhóm bạn Sài gòn, họ đã ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ di sản và chung tay, đồng hành cùng chúng tôi để bảo vệ rừng, việc làm này cũng thể hiện trách nhiệm với di sản”, ông Thái cho hay.
Công tác trồng rừng phục hồi tại các điểm sạt lở được chia làm hai đợt. Đợt 1 đã trồng được hơn 900 cây các loại, đợt hai sẽ trồng hơn 2.400 cây và hoàn thành trong quý IV năm 2021. Cây trồng là những loại cây bản địa sống lâu năm có phân bố trong khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng như: Lát hoa, nhội, huê đỏ, táu, gội nếp, re gừng, huỷnh… phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Vườn. Có khả năng chống chịu tốt với gió bão, giữ đất và chống xói mòn.
Trao đổi với PV, ông Lê Thúc Định – Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, cho biết: “Chúng tôi lựa chọn các loại cây phù hợp theo từng đai rừng, trồng đúng thời vụ, đúng kỹ thuật để đảm bảo cho các loại cây sinh trưởng và phát triển tốt, nhanh chóng che phủ lại các diện tích rừng đã mất”.
Sau khi trồng lại các diện tích rừng ở các điểm sạt lở, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng sẽ cử cán bộ thường xuyên chăm sóc, đảm bảo cho các loại cây sinh trưởng và phát triển tốt, qua đó, góp phần tăng độ che phủ rừng, khôi phục lại cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.