Ngày 11/10, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính đã có gần 19.000 trẻ em di cư vượt biên giới giữa Colombia và Panama qua rừng nhiệt đới Darien.
Thông cáo của UNICEF cho biết, trẻ em chiếm ít nhất 1/5 số người di cư băng rừng Darien và một nửa trong số đó là trẻ dưới 5 tuổi.
Theo tổ chức này, nhiều phụ nữ mang thai, hầu hết là người Haiti, sẵn sàng vượt qua hành trình dài đầy nguy hiểm chết người để đến được Mỹ hoặc Canada nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
Trong hành trình kéo dài hơn một tuần, cả trẻ em lẫn người trưởng thành phải đối mặt với sự khắc nghiệt của rừng rậm, bao gồm côn trùng, động vật hoang dã, thiếu nước sinh hoạt và lũ quét cũng như các nhóm tội phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, UNICEF cũng cảnh báo, trẻ em gái và thanh thiếu niên là đối tượng dễ bị xâm hại tình dục trong hành trình di cư. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổ chức này đã ghi nhận 29 đơn khiếu nại về lạm dụng tình dục.
Dù đến được Panama, những đứa trẻ sống sót thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa do uống nước bẩn, hoặc mắc bệnh về đường hô hấp sau nhiều ngày sống trong rừng rậm ẩm ướt, ngủ ngoài trời và băng sông.
Tại Panama, các em được các tổ chức như UNICEF cung cấp dịch vụ y tế và hỗ trợ tâm lý xã hội. Từ đầu năm đến nay, UNICEF đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong trên hành trình di cư, trong khi 150 trẻ em khác, bao gồm cả trẻ sơ sinh, đến Panama mà không có cha mẹ đi cùng.
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ Latinh và những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 67.100 người, đa số là người Haiti, vượt rừng rậm Darien trong 8 tháng đầu năm 2020. Hầu hết những người này đã tới Chile và Brazil sau trận động đất lịch sử tàn phá Haiti vào năm 2010.
Giờ đây, dòng người di cư Haiti cùng với con cái của họ đang tìm cách đến Mỹ sau khi băng qua hàng chục quốc gia, bất chấp thực tế là chính phủ Mỹ đã trục xuất hàng nghìn người di cư trong những tuần gần đây.
Giám đốc UNICEF khu vực Mỹ Latinh và Caribbean Jean Gough nhấn mạnh, việc số lượng trẻ em di cư từ Nam Mỹ lên phía Bắc gia tăng nhanh chóng phải được xem là một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đối với toàn khu vực, chứ không chỉ Panama.
Trên thực tế, tổng số trẻ em di cư đã tăng gấp ba lần tổng số ghi nhận trong 5 năm qua. Từ 109 trẻ em được ghi nhận năm 2017, hai năm sau con số này đã tăng lên 3.956 em. Năm 2020, tình hình giảm đáng kể với 1.653 trẻ em do những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19.