Nghe có vẻ không phải là một chiến lược phòng thủ tuyệt vời nhưng mùi hương của thằn lằn có thể là vũ khí tốt nhất giúp loài vật này chống lại mối đe dọa săn trộm động vật hoang dã ngày càng gia tăng.
Từ phát hiện thú vị về thằn lằn, một nhóm các nhà nghiên cứu Australia đang tìm cách phát triển của một chiếc “mũi điện tử” mà họ tin rằng nó có thể thay đổi cuộc chơi trong việc ngăn nạn buôn lậu động vật hoang dã bản địa ra khỏi đất nước.
Về cơ bản, “mũi điện tử” sẽ tái tạo hành vi của những chú chó nghiệp vụ có khả năng đánh hơi và được các cơ quan hải quan cùng cơ quan quản lý bưu chính sử dụng để tìm động vật hoang dã được cất giấu trong các bưu kiện và hành lý.
Theo cơ quan tình báo tài chính AUSTRAC, bò sát bản địa là loài động vật sống ở Úc bị buôn bán nhiều nhất. Một con thằn lằn có thể bán trên thị trường chợ đen với giá lên đến 20.000 đô la. Mức giá hấp dẫn đồng nghĩa với việc buôn lậu động vật hoang dã trở thành phương tiện kiếm tiền khổng lồ cho các nhóm tội phạm có tổ chức, tạo ra doanh thu toàn cầu ước tính khoảng 23 tỷ đô la mỗi năm.
Tiến sĩ Maiken Ueland, nhà hóa học pháp y tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Một chiếc mũi điện tử sẽ thực sự là một yếu tố thay đổi cuộc chơi. Nếu bạn có thể quét tất cả thư đến, tất cả hành lý đến thì đó sẽ là một công cụ tiết kiệm thời gian rất lớn và điều đó có nghĩa là chúng ta có thể nắm bắt thêm rất nhiều hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp hiện đang không bị phát hiện”.
Ban đầu, thiết bị này được thiết kế để phát hiện mùi của những con thằn lằn shingleback hay bobtails sinh sống phổ biến ở Tây Úc vì thằn lằn là một trong những động vật Úc bị buôn bán nhiều nhất. Các đối tượng có thể quấn các con vật bằng băng keo hoặc nhét chúng vào bên trong thứ gì đó nhằm đánh lừa chó nghiệp vụ. Dự án phát triển mũi điện tử sẽ không chỉ cải thiện khả năng phát hiện mà còn cung cấp thông tin ADN mới về thằn lằn.
Trong khi mũi người không thể đánh hơi được loài bò sát thì một chú chó được huấn luyện có thể làm được vì mọi loài động vật đều tạo ra mùi. Theo thuật ngữ khoa học, mùi là kết quả của các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hoặc hóa chất được thải vào không khí. Loại mùi được tạo ra chủ yếu phụ thuộc vào loại thức ăn mà động vật ăn cũng như cấu tạo di truyền của chúng. Những hợp chất này rất khó ngụy trang, chúng hoàn toàn có thể thoát ra khỏi các gói hàng, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể dễ phát hiện ra mùi động vật từ các kiện hàng hoặc hành lý.
Tiến sĩ Ueland cho biết nhóm nghiên cứu đang lấy mẫu mùi từ hơn 100 cá thể thằn lằn shingleback trên khắp nước Úc vì các nhà khoa học cho rằng thằn lằn sẽ phát ra các mùi khác nhau tùy thuộc vào nơi chúng sống. Nhóm cũng đang nghiên cứu phương pháp không chỉ giúp xác định động vật sống trong bao bì mà còn cả bột động vật và bộ phận cơ thể động vật, những thứ tiếp tục tạo ra mùi.
Nhà nghiên cứu Amber Brown thuộc UTS đã dành cả năm qua để đi khắp đất nước thu thập các mẫu mùi từ 4 loài phụ khác nhau của shingleback. WA là bang duy nhất là nơi sinh sống của cả bốn loài phụ, vì vậy nó là chiếm vị trí quan trọng đối với đội.
Sau khi bắt, mỗi cá thể thằn lằn sẽ được đo, xét nghiệm máu và được đặt trong một thùng chứa có lỗ thông hơi trong 20 phút. Sau khi thiết bị lấy mẫu đã thu thập được mùi, mùi sẽ được niêm phong để đưa về phân tích tại các phòng thí nghiệm tại UTS và Bảo tàng Úc.
Tiến sĩ Greta Frankham, nhà khoa học pháp y về động vật hoang dã tại Bảo tàng Úc cho biết Covid-19 đã giúp làm nổi bật những nguy cơ của tội phạm động vật hoang dã. Đây là một vấn đề đối với động vật hoang dã trên toàn thế giới chứ không riêng Úc vì nó có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài cũng như rủi ro về an toàn sinh học. Động vật hoang dã có thể lây truyền dịch bệnh sang môi trường mới bao gồm các quần thể động vật bản địa ở khu vực đó và cả con người.
Nhóm nghiên cứu hy vọng shingleback sẽ là loài đầu tiên trong số nhiều loài bản địa của Úc mà thiết bị mũi điện tử có thể phát hiện được.
Ý Nhi (Theo acb.net)