Cách du lịch thúc đẩy buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á

Một số cuộc điều tra cho thấy các nhà điều hành và hướng dẫn viên du lịch ở Đông Nam Á đã thúc đẩy nạn buôn lậu động vật hoang dã bằng cách tạo điều kiện cho khách du lịch tiêu thụ các sản phẩm bất hợp pháp như ngà voi, cao hổ và các sản phẩm khác.

Trước Covid-19, các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng từ động vật hoang dã, như vòng tay làm bằng ngà voi hay mai rùa, đều phụ thuộc rất nhiều vào khách du lịch, hình thành mối quan hệ đối tác với các đại lý du lịch và hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch xảy ra và trong nhiều trường hợp trước đó, các chủ hàng đã chuyển sang hình thức trực tuyến với số lượng người bán tăng hơn số phải tạm ngừng hoạt động vì dịch. Nếu không có sự gia tăng nỗ lực từ các cơ quan thực thi và nền tảng trực tuyến, doanh số bán hàng trực tiếp có khả năng sẽ tăng trở lại khi đại dịch rút lui.

Ở Đông Nam Á, hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã được thúc đẩy bởi ngành du lịch. Các sản phẩm từ hổ có nhu cầu cao đến mức các sản phẩm thay thế từ các loài mèo lớn khác đều được quảng cáo dưới nhãn mác hổ. (Hình ảnh: David Barley / Alamy)

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc điều hành CHANGE cho biết năm 2018, khi khảo sát tại Móng Cái, Quảng Ninh, khu vực giáp biên với Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc điều tra bí mật với WildAid, bà và đồng nghiệp đã ghi lại được hình ảnh các cửa hàng bán ngà voi cho người mua từ Trung Quốc và Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam cấm buôn bán ngà voi từ năm 1992 nhưng việc bán các mẫu vật được sản xuất trước thời điểm này vẫn hợp pháp, vì vậy, một số chủ hàng đã chuyển ngà voi được chạm khắc gần đây là đồ cổ. Trong khi đó, nhiều hoạt động buôn bán bất hợp pháp vẫn tiếp tục diễn ra mà không bị trừng phạt.

“Nhiều người mua xuất hiện dưới sự dắt mối của hướng dẫn viên. Hoạt động này diễn ra giữa ban ngày và rất dễ phát hiện. Việc buôn bán trái phép động vật hoang dã trong ngành du lịch đã tồn tại từ lâu và mọi người đều biết về nó”, bà Hồng nói.

Móng Cái từng được coi là điểm trung chuyển khét tiếng về vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Sau chuyến điều tra năm 2018, CHANGE và WildAid đã treo biển tuyên truyền trong thành phố, cảnh báo rằng việc mua bán hoặc sở hữu ngà voi sẽ bị phạt tù lên đến 15 năm. Tuy nhiên, không chỉ riêng Móng Cái mà bất cứ nơi nào du khách đổ xô đến thì thị trường chợ đen động vật hoang dã lại phát triển mạnh, chẳng hạn như Vịnh Hạ Long, Nha Trang và nhiều tỉnh, thành khác. Hạn chế về kinh phí khiến các tổ chức bảo tồn khó có thể thực hiện một cuộc khảo sát toàn diện, bà Hồng cho biết.

Ngà voi vẫn hút khách

Cho đến gần đây, có rất ít dữ liệu về tác động của du lịch đối với nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Đông Nam Á.

Năm ngoái, WWF thực hiện cuộc khảo sát về việc tiêu thụ ngà voi của 3.000 du khách Trung Quốc ở nước ngoài. Những người được hỏi đã trả lời các câu hỏi về các chuyến đi trước đại dịch đến 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Việt Nam và Thái Lan, từ tháng 8/2019 đến tháng 1/2020. Trong số những người từng ghé thăm một cửa hàng bán ngà voi, 60% cho biết họ được giới thiệu đến đó thông qua một hướng dẫn viên địa phương trong khi 37% cho biết các trung tâm thông tin du lịch đã đưa họ tới. Tổng cộng có 6,8% du khách đã mua một sản phẩm làm từ ngà voi. Hơn một nửa (57%) những người được hỏi đã đến thăm một cửa hàng bán lẻ ngà voi cho biết nhân viên bán hàng nói tiếng Trung Quốc.

Ngà voi cũng được người tiêu dùng Thái Lan và Việt Nam ưa chuộng. Đối với một số người thuộc tầng lớp trung lưu có thu nhập khá giả ngày càng tăng, ngà voi thể hiện sự giàu có và địa vị xã hội. Niềm tin tâm linh cũng đóng góp vào sự hấp dẫn của mặt hàng bất hợp pháp này. Các sản phẩm càng nhỏ càng thuận tiện cho du khách vì hành lý hạn chế và người bán có nhiều khả năng chốt giao dịch. Theo khảo sát của WWF, các công ty vận chuyển và dịch vụ bưu chính cũng đóng vai trò vào các giao dịch này bằng cách tạo điều kiện cho việc giao hàng, với 44% khách hàng nhận được giao dịch mua hàng tại nhà ở Trung Quốc qua đường bưu điện.

Yoganand Kandasamy, người đứng đầu khu vực về tội phạm động vật hoang dã tại WWF Greater Mekong cho biết: “Mọi người đang buôn lậu những sản phẩm nhỏ và hải quan về cơ bản không để ý đến điều này. Khi bán một đồ vật cho du khách, các cửa hàng đều trấn an rằng “bạn biết đấy, một món đồ nhỏ thì sẽ không ai làm phiền khi bạn đi qua biên giới cả””.

Ông cho biết thêm: “Mỗi cá nhân mua một món đồ nặng không quá 100 gram nghe có vẻ không nhiều nhưng vấn đề là chúng ta có khoảng 100 triệu du khách từ Trung Quốc đại lục đến khu vực Đông Nam Á cũng như Hồng Kông và Nhật Bản, ngay cả khi chỉ 10% du khách mua sản phẩm thì con số cũng tăng lên khủng khiếp”.

Nhiều khách du lịch không chú ý đến tính chất bất hợp pháp của sản phẩm chắc chắn sẽ là mục tiêu của các công ty lữ hành và hướng dẫn viên du lịch ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam. Những người này thường làm việc với các thương nhân chợ đen, những người được đào tạo để đánh hơi những người mua tiềm năng, ít nhất là để thử và phục hồi nguồn thu bị mất do Covid-19.

“Mọi người tin rằng ngà voi được mua bởi những người sưu tập nhưng thực tế hầu hết ngà voi được mua bởi khách du lịch và nó được thúc đẩy bởi ngành du lịch”, Wander Meijer, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại GlobeScan, đơn vị thực hiện khảo sát của WWF cho biết.

Không chỉ ngà voi được tiếp thị cho khách du lịch, các sản phẩm như lược và quạt được làm từ rùa biển cũng là mặt hàng lưu niệm phổ biến nhắm đến đối tượng chủ yếu là du khách, Douglas Hendrie, Giám đốc thực thi ENV cho hay.

Bùng nổ buôn lậu trực tuyến

Thương mại điện tử và phương tiện truyền thông xã hội đang thúc đẩy hoạt động buôn bán các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp cho khách du lịch ở Đông Nam Á. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tập trung vào khách du lịch trong khu vực đang sử dụng các nền tảng này để quảng cáo và bán các bộ phận động vật, chẳng hạn ở thủ đô Viêng Chăn của Lào, các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp được bày bán công khai ở chợ Sanjiang nhưng phần lớn hoạt động buôn bán diễn ra trực tuyến.

“Họ có mã QR để kết bạn trên WeChat. Từ đây, du khách có thể mở toàn bộ album sản phẩm muốn mua trực tuyến thông qua WeChat Pay và các chủ hàng sẽ sắp xếp giao hàng đến địa chỉ tại Trung Quốc”, Debbie Banks, người đứng đầu chiến dịch tội phạm về hổ và động vật hoang dã của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) cho biết. EIA đã ghi nhận những chiếc vòng tay bằng ngà voi, răng hổ, rượu xương hổ, mỏ chim hồng hoàng mũ cát ( “ngà voi đỏ”), thuốc mật gấu và đồ trang sức bằng sừng tê được bày bán trên thị trường.

Douglas Hendrie cho rằng những thành công hàng ngày trong việc trấn áp tội phạm về động vật hoang dã đang không theo kịp tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng.

Buôn bán các sản phẩm từ hổ mất kiểm soát

Ở Việt Nam, việc bán và quảng cáo các bộ phận và sản phẩm của hổ bị pháp luật nghiêm cấm nhưng cao hổ vẫn rất phổ biến và được bán trên thị trường như một loại thuốc chữa bệnh về khớp và giúp cường dương. Các tác dụng thổi phồng này cũng được tiếp thị cho khách du lịch ở Đông Nam Á. Trong một báo cáo được công bố vào năm ngoái, EIA đã sao chép các quảng cáo về tác dụng của cao hổ trên trang web của một công ty lữ hành và đơn vị vận chuyển cho du khách Việt Nam đến Thái Lan, khẳng định nhà điều hành có thể tổ chức giao hàng cho người mua.

Trong một cuộc điều tra năm 2019, EIA đã ghi lại cách các du khách Trung Quốc và Việt Nam đến thăm một khu vực ở Thái Lan và được giới thiệu, chào bán cao hổ cốt: “Đến Thái Lan mà không mua cao hổ cốt thì coi như bạn chưa đi Thái Lan”.

Theo Debbie Banks, sự thèm muốn các sản phẩm từ hổ đang ngày càng gây nguy hiểm cho các loài mèo lớn khác: “Xương, răng và móng vuốt của báo đốm, sư tử châu Phi đang được bán dưới nhãn mác hổ”.

Nhà hàng – điểm nóng tiêu thụ thịt thú rừng

Theo khảo sát của TRAFFIC, các đặc khu kinh tế của Đông Nam Á, chẳng hạn như Tam giác vàng, nơi giáp ranh giữa Lào, Myanmar và Thái Lan, là những khu vực nổi tiếng với khách du lịch và là “điểm nóng chính về buôn bán trái phép động vật hoang dã”.

Theo ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW), người nhận Giải thưởng Môi trường Goldman năm nay, một số nhà hàng đã được biết đến là nơi phục vụ du khách tìm kiếm thịt thú rừng quý hiếm. “Khi mọi người đi du lịch đến những nơi xa xôi, gần rừng, họ muốn ăn đặc sản của khu vực đó và thường chúng liên quan đến thịt thú rừng”.

Bà Hồng đồng ý cho rằng “Thịt thú rừng là một vấn đề lớn mà chúng tôi đang đối phó với khách du lịch. Từ các quan chức chính phủ đi công tác đến các khu vực nông thôn hay khách du lịch, tất cả thường chọn cầy hương, tê tê và nhím, mọi người đều không hiểu rằng mình đang ủng hộ cho việc buôn bán trái phép động vật hoang dã bằng cách tiêu thụ những loài được bảo vệ”. Trong đó, các trang web và hướng dẫn viên du lịch cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy vấn nạn ăn thịt thú rừng bằng cách quảng cáo các loại rượu ngâm động vật và các món đặc sản độc, lạ của địa phương như một trải nghiệm “phải thử” cho bất kỳ du khách nào khi tới thăm. Trong nhiều trường hợp, họ không đề cập đến chi phí đánh đổi đối với động vật hoang dã đang bị đe dọa tại địa phương sau những trải nghiệm như vậy.

Liệu hành vi tiêu dùng động vật hoang dã có thay đổi sau thảm họa Covid-19? Ông Thái cho rằng sự thay đổi này vẫn rất mong manh bởi trước Covid-19 cũng đã từng xảy ra nhiều đại dịch liên quan đến việc tiêu thụ động vật hoang dã.

Mặc dù tương lai của các loài hoang dã vẫn rất xa xôi, song có một số tín hiệu tích cực sau tác động của Covid-19. 21 đơn vị Trung Quốc đã ký cam kết với WWF và Hội đồng Du lịch Bền vững Toàn cầu để giải quyết các vấn đề liên quan đến buôn bán động vật hoang dã, rác thải nhựa và rác thải thực phẩm.

Tháng 12/2020, đại diện 30 công ty du lịch, lữ hành và tổ chức du lịch bảo tồn tại Việt Nam cũng đã ký cam kết ủng hộ du lịch có trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã sau khi kết thúc Hội thảo “Du lịch có trách nhiệm với thiên nhiên và bảo tồn động vật hoang dã”, do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp Câu lạc bộ Du lịch có trách nhiệm (RTC) tổ chức tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Douglas Hendrie cho biết Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong cách đối phó với tội phạm về động vật hoang dã. Các thế hệ trẻ ít có xu hướng tiêu thụ động vật hoang dã hoặc sử dụng thuốc truyền thống từ động vật hoang dã. Tuy nhiên, ngà voi là một ngoại lệ. Việc bán đồ trang sức và đồ chạm khắc vẫn gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi, đặc biệt là qua hình thức trực tuyến; móng vuốt của hổ và gấu cũng rất phổ biến.

Nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy bức tranh về ngà voi cũng bớt xám màu hơn. Tháng 4, WWF công bố kết quả khảo sát thường niên lần thứ tư về ngà voi cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ khi lệnh cấm ngà có hiệu lực, với tỷ lệ nhóm người mua ngoan cố giảm một nửa so với 2017, còn 8% vào năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu của những người thường xuyên đi du lịch nước ngoài không hề suy giảm; những người đi du lịch ngay trước khi đại dịch ập đến đã mua ngà voi với số lượng lớn hơn so với năm 2017.

Huyền Trang (Theo chinadialogue)

Nguồn: