Lũ lụt, mưa bão, thiên tai và thời tiết khắc nghiệt ở Trung Quốc khiến 792 người chết hoặc mất tích trong ba quý đầu năm 2021.
Trung Quốc đã phải hứng chịu những thảm họa thiên nhiên phức tạp và nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan trong ba quý đầu năm nay, với lũ lụt, mưa gió, hạn hán, bão, động đất và thảm họa địa chất là những thảm họa lớn. Theo Hoàn cầu Thời báo, tổng cộng có 94,94 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó có 792 người chết hoặc mất tích.
Ngoài các thảm họa thiên nhiên lớn, thời tiết đóng băng, bão tuyết, bão cát, cháy rừng và đồng cỏ, các thảm họa biển ở những mức độ khác nhau cũng đã xảy ra – Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết ngày 10.10.
Các thảm họa thiên nhiên đã ảnh hưởng đến 94,94 triệu người, khiến 792 người chết hoặc mất tích và 5,26 triệu người phải di dời. Bên cạnh đó, 157.000 ngôi nhà bị sập và 1,75 triệu ngôi nhà bị hư hại. Khoảng 10.583 hecta hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại kinh tế trực tiếp từ những thảm họa này là 286,4 tỉ nhân dân tệ (44,37 tỉ USD).
So với số liệu bình quân cùng kỳ 5 năm qua, số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, số người chết và mất tích, số nhà sập và thiệt hại trực tiếp về kinh tế giảm lần lượt 31%, 14%, 16% và 14%.
Trong nửa đầu năm nay, tình hình chung của thiên tai tương đối nhẹ, với 156 người chết hoặc mất tích và thiệt hại trực tiếp về kinh tế là 40,86 tỉ nhân dân tệ (6,3 tỉ USD), đều là mức thấp nhất trong thập kỷ qua.
Trong quý 3, do ảnh hưởng của bão, lũ lụt và thiên tai nghiêm trọng, các tỉnh phía Bắc Trung Quốc đã phải chịu thiệt hại nặng nề hơn rõ ràng so với các khu vực phía Nam.
Trong 9 tháng đầu năm, 39 trận mưa lớn đã xảy ra trên khắp Trung Quốc, với lượng mưa trên toàn quốc là 582mm, nhiều hơn 4% so với lượng mưa trung bình của các năm trước trong cùng thời kỳ.
Bão đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Hà Nam và Hồ Bắc thuộc miền Trung Trung Quốc và tỉnh Thiểm Tây ở Tây Bắc Trung Quốc vào tháng 7 và tháng 8.
Mặc dù có 16 cơn bão hình thành ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Biển Đông trong ba quý đầu năm, ít hơn số lượng trung bình của các năm trước là 2,5 cơn bão, chỉ có ba cơn đổ bộ vào Trung Quốc. Những cơn bão này có ảnh hưởng rộng tới nhiều nơi bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Chiết Giang, Thượng Hải, Giang Tô, An Huy, Sơn Đông, Phúc Kiến và các khu vực ven biển khác.
Bên cạnh đó, hầu hết các trận động đất trong ba quý đầu năm nay đều xảy ra ở các khu vực phía Tây bao gồm khu tự trị Tân Cương, khu tự trị Tây Tạng và các tỉnh Thanh Hải, Vân Nam và Tứ Xuyên.
Tổng cộng có 453.000 người tại 14 tỉnh bị ảnh hưởng bởi động đất, trong đó có 9 người chết và 62.000 ngôi nhà bị sập hoặc bị hư hại nghiêm trọng, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 8,2 tỉ (1,3 tỉ USD).
Mới nhất, hôm 9.10, giới chức Trung Quốc đã phải đưa ra biện pháp ứng phó khẩn cấp cấp độ 4 khi tỉnh Sơn Tây và tỉnh Thiểm Tây hứng chịu trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, với hơn 50.000 cư dân phải di dời, 166 điểm du lịch đóng cửa và hoạt động của 60 mỏ than bị đình chỉ.
Nhiều thành phố ở Sơn Tây hứng chịu lượng mưa lớn từ 100-250mm trong 10 ngày qua và lượng mưa ở một số khu vực trong tuần trước bằng mức bình thường trong cả tháng 10.
Bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, các mỏ than ở Sơn Tây tạm thời ngừng sản xuất, khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi về tác động tiềm tàng của việc phát điện trong những tuần và tháng tới.
Sơn Tây là tỉnh sản xuất than lớn, rất quan trọng đối với nguồn cung cấp than của Trung Quốc. Do vậy lũ lụt có thể ảnh hưởng ngắn hạn đến nguồn cung cấp điện và than của Trung Quốc.