Thống kê mới nhất cho thấy khoảng 1,5 triệu trẻ em trên thế giới mất cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp, riêng tại Mỹ là hơn 140.000 em.
Ngày 7/10, một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Pediatrics cho biết ước tính từ tháng 4/2020 đến cuối tháng 6/2021, hơn 140.000 trẻ em dưới 18 tuổi tại Mỹ mất đi cha mẹ, ông bà hoặc người chăm sóc.
Nghiên cứu này là kết quả hợp tác giữa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Imperial College London (Anh), Đại học Harvard (Mỹ), Đại học Oxford (Anh) và Đại học Cape Town (Nam Phi).
Theo The Guardian, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về tỷ lệ tử vong, khả năng sinh sản và số liệu điều tra dân số để ước tính số lượng trẻ em mồ côi liên quan Covid-19.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu sẽ xác định cái chết của những ca bệnh là cha, mẹ hoặc ông bà, người giám hộ có trách nhiệm chăm sóc hoặc sống cùng trẻ em.
Nghiên cứu trên chỉ ra khoảng 65% trẻ mất cha mẹ là người gốc Tây Ban Nha, châu Á, người bản địa Alaska hoặc người da màu gốc Phi, 35% còn lại là người da trắng.
So với trẻ da trắng, trẻ em bản địa Alaska có nguy cơ mất người chăm sóc cao hơn 4,5 lần, trẻ em da màu có nguy cơ cao hơn 2,4 lần và trẻ em gốc Tây Ban Nha cao hơn 1,8 lần.
“Khủng hoảng” mất người thân
Trước đó, vào cuối tháng 9, The Conversation đăng tải thông tin, cho biết trong 14 tháng đầu tiên khi dịch Covid-19 bùng phát, 1,5 triệu trẻ em trên toàn cầu mất đi người chăm sóc chính (có thể là cha mẹ, ông bà hoặc người giám hộ). Trong đó, chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2021, 1,1 triệu trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi do đại dịch.
Kết quả này được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ, tính toán dựa trên dữ liệu tử vong do Covid-19 và mức sinh sản của 21 quốc gia trên thế giới.
Để dữ liệu đạt độ chính xác nhất, nhóm nghiên cứu chọn 21 quốc gia có số ca tử vong do Covid-19 cao, chiếm 76% số ca trên toàn cầu.
Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy các quốc gia có nhiều trẻ em mồ côi do Covid-19 bao gồm: Nam Phi, Peru, Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Mexico. Số trẻ em mồ côi ở các nước này vượt mức hơn 94.000 trường hợp và có thể lên đến hàng trăm nghìn.
Nói cách khác, cứ 200 trẻ thì có 1 em mất đi người chăm sóc chính, hoặc cứ 12 giây lại có một trẻ mất đi người thân do Covid-19.
Khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, những con số này sẽ vẫn tăng lên từng ngày. Đối với những người làm việc trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, đây là dấu hiệu cảnh báo, đồng thời là mối lo ngại hàng đầu. Tình trạng trẻ mồ côi gia tăng đã đặt ra những thách thức dài hạn, đe dọa nghiêm trọng đến cuộc sống và sự hạnh phúc của trẻ.
Trẻ tổn thương vì Covid-19
Nora Volkow, giám đốc Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (Mỹ) gọi tình trạng này là một “đại dịch ẩn”, đang xảy ra đằng sau cánh cửa nhiều gia đình tại quốc gia này. Đối tượng chịu hậu quả của “đại dịch ẩn” là những đứa trẻ dưới 18 tuổi.
“Cái chết của cha, mẹ là một mất mát to lớn, có thể tác động và định hình cuộc đời của một đứa trẻ”, bà Nora nói, đồng thời nhấn mạnh những bất lợi và nguy cơ trẻ mồ côi có thể mắc phải trong tương lai, bao gồm tổn thương về thể chất, tinh thần, dẫn đến lạm dụng ma túy, bị bóc lột, thậm chí tự tử.
Tiến sĩ Charles Nelson tại Bệnh viện Nhi Boston (Mỹ) nhận thấy những mất mát trong gia đình vào mùa dịch có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và sự phát triển của trẻ.
Do hạn chế của dịch bệnh, nhiều đứa trẻ không có cơ hội gặp mặt và nói lời từ biệt với người thân yêu. Điều này khiến nỗi đau mất người thân của các em nặng nề hơn.
Chưa kể, các thành viên khác trong gia đình cũng đang vật lộn với những thách thức liên quan như mất việc, giảm thu nhập. Kéo theo đó, việc chăm sóc, động viên con cái bị đình trệ. Nhiều người không có đủ thời gian để xoa dịu nỗi đau mất người thân của con trẻ.
Tiến sĩ Elizabeth Rider, bác sĩ nhi khoa và cựu chuyên gia trị liệu gia đình và trẻ em, cho biết trẻ em sẽ có phản ứng khác nhau với các chết của người thân theo từng độ tuổi.
Ví dụ, trẻ mẫu giáo có thể trở nên nhút nhát, bám người và chậm phát triển hơn những đứa trẻ khác. Trẻ trong độ tuổi đi học sẽ liên tục đặt câu hỏi về cái chết của người đã khuất, vì các em có thể chưa hiểu hết những chuyện đang xảy ra.
Với thanh, thiếu niên ở tuổi dậy thì, các em có hướng suy nghĩ trừu tượng hơn và có thể suy ngẫm về tầm quan trọng của những mất mát đó đối với cuộc sống tương lai. Một số em có thể lạm dụng chất kích thích như một cách để quên đi mọi chuyện.
Giúp trẻ vượt qua nỗi đau
Trước tình trạng nhiều trẻ em mất đi người thân trong đại dịch, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Boston đưa ra vài lời khuyên và gợi ý cho các gia đình để giúp trẻ vượt qua cơn khủng hoảng và lấy lại trạng thái cân bằng.
Thứ nhất, gia đình cần thừa nhận tình hình thực tế. Khi trẻ đặt câu hỏi liên quan cái chết của cha hoặc mẹ, người lớn nên trả lời trung thực, nhưng phải nhẹ nhàng và khéo léo. Khi nói, bạn có thể chia sẻ thêm cảm xúc của bản thân để trẻ hiểu rằng các em không đơn độc.
Nếu bạn là người chăm sóc trẻ trong tương lai, bạn cần tránh những lời hứa không thể thực hiện vì những lời nói đó sẽ khiến trẻ tổn thương nặng nề hơn.
Khi đối diện với sự ra đi của người thân, có thể trẻ sẽ mất nhiều thời gian để tiếp nhận. Bạn cần cho trẻ thời gian và để các em hiểu rằng người lớn luôn sẵn sàng nghe các em tâm sự.
Thứ hai, gia đình cho phép trẻ bày tỏ cảm xúc thật. Điều quan trọng là bạn cần lắng nghe và không phán xét trẻ. Một số trẻ không nói và bộc lộ sự tổn thương bằng các hành động. Khi đó, bạn cần cho trẻ hiểu các em có quyền bày tỏ, nhưng không được phép tổn thương người khác.
Khi đó, bạn có thể tìm những phương thức phù hợp để trẻ bộc lộ cảm xúc như viết nhật ký, đi dạo, nghe nhạc, vận động. Khóc cũng là một cách giúp các em phá bỏ những tổn thương trong lòng.
Thứ ba, các thói quen sinh hoạt cũ cần được duy trì. Sau khi mất đi người thân, nhịp sinh hoạt và lối sống của trẻ có thể bị đảo lộn. Là người giám hộ, bạn cần giúp trẻ duy trì trạng thái bình thường, thiết lập thời gian biểu phù hợp.
Ngoài ra, bạn nên cho trẻ thời gian và không gian riêng. Cách này sẽ giúp các em có thời gian suy nghĩ về mọi việc và lấy lại sự ổn định. Tuy nhiên, mọi hoạt động cần có giới hạn thời gian rõ ràng, nhất quán, tránh để trẻ lạm dụng thời gian, gây ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần.
Thứ tư, trẻ được cho phép nhớ về người đã khuất. Bạn không nên coi đây là một chủ đề cấm kỵ. Bạn có thể cùng trẻ nói về những kỷ niệm đẹp với người đã khuất, bằng cách kể chuyện hoặc xem lại ảnh chụp. Điều quan trọng là hãy để trẻ nhớ rằng người thân đã sống thế nào, thay vì nhớ họ đã qua đời thế nào.
Thứ năm, người lớn cần cảnh giác với các nguy cơ tiềm ẩn. Trẻ tổn thương do mất người thân dễ gặp các vấn đề như mệt mỏi, rối loạn ăn uống, mất ngủ. Bạn cần để ý những thay đổi ở trẻ như dễ nổi nóng, thu mình, vô cảm,… Đây có thể là những dấu hiệu trẻ bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Boston nhận định đây là phản ứng bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài hoặc nặng hơn, ví dụ như trẻ mất khả năng kiểm soát, suy nghĩ cực đoan hoặc thường nói về cái chết, bạn cần tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý để hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn này.