Tổng số vụ vi phạm về động vật hoang dã đã được ENV chuyển giao đến cơ quan chức năng trong năm 2020 là 1035 vụ việc. Con số này trong năm 2019 là 708 vụ việc.Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa gửi báo cáo đánh giá hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) do người dân thông báo trong năm 2020 đến Bộ NN-PTNT; UBND các tỉnh thành và các cơ quan thực thi pháp luật.
Mặc cho những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ phản hồi của các cơ quan chức năng trên cả nước với vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo vẫn đạt 97,6% trên tổng số vi phạm.
Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương là hai địa phương đứng đầu cả nước trong công tác xử lý các thông báo vi phạm từ người dân, giải cứu 125 cá thể ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Trong năm 2019, hai địa phương này cũng nằm trong nhóm 5 địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý các vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo.
Một số kết quả đáng chú ý trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD năm 2020 như tỷ lệ phản hồi bình quân trên cả nước đạt 97,6% (1274/1305 vụ), tỷ lệ này trong năm 2019 (84%). Tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD nói chung và vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống năm 2020 lần lượt 33,2% và 39,5%, tương đương với kết quả ghi nhận trong năm 2019.
10 địa phương đạt tỷ lệ phản hồi tin báo vi phạm về ĐVHD từ người dân cao nhất cả nước là Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Kiên Giang, Hải Phòng, Bình Phước, Gia Lai và Thành phố Hồ Chí Minh.
5 địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD: Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng và Đồng Nai.
5 địa phương đạt hiệu quả cao nhất trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống là Đắk Lắk, Bình Dương, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Đồng Nai.
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng cũng đồng thời là 2 địa phương ghi nhận các vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng tại Tp.Hồ Chí Minh đã xử lý 99,7% trên tổng số 309 vi phạm được người dân thông báo – số lượng vi phạm chiếm gần 1/3 tổng số vi phạm trên cả nước trong năm 2020. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý vi phạm tại 2 địa phương này vẫn còn tương đối thấp. Với Hà Nội tỷ lệ xử lý thành công vi phạm về ĐVHD nói chung là 31,3%, thấp hơn mức trung bình trên cả nước và tỷ lệ xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD còn sống đạt 43,4%, cao hơn nhưng không đáng kể so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, Tp.Hồ Chí Minh đạt tỷ lệ xử lý thành công nói chung là 23,3% và tỷ lệ xử lý thành công với các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống là 26,7%, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Kháng, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm thành phố Đà Nẵng trao đổi với Người Đưa Tin, nguồn tin báo từ quần chúng nhân dân, các tổ chức bảo tồn như ENV là hết sức quan trọng. “Hy vọng trong thời gian sắp tới, Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng sẽ nhận được nhiều sự phối hợp hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Kháng cho hay.
Tỷ lệ xử lý thành công thấp ở một số địa phương có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, quá trình xử lý thông tin còn chậm trễ, thông tin bị rò rỉ trước khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra hoặc trong một số trường hợp thông tin người dân thông báo không được chính xác hoặc cụ thể.
Theo quan điểm của ENV, sự tích cực trong việc phản hồi và xử lý hiệu quả các vụ việc do người dân thông báo là điều kiện rất quan trọng để duy trì và thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa người dân và chính quyền trong quá trình xử lý các vi phạm về ĐVHD.
Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV chia sẻ với Người Đưa Tin rằng “Sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng là nguồn động lực quan trọng với các cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái phép tại Việt Nam”.
Tuy nhiên theo bà Hà, người dân sẽ chỉ có niềm tin và tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nếu các tin báo vi phạm do người dân cung cấp được xử lý kịp thời và có hiệu quả. Trong thời gian tới, ENV khuyến nghị các cơ quan chức năng trên cả nước tiếp tục quan tâm, xử lý hiệu quả các vi phạm do người dân cung cấp. Đặc biệt, ENV hy vọng mức trung bình xử lý thành công vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo sẽ được nâng lên đáng kể, ít nhất đạt 50% trên tổng số vi phạm được thông báo trong năm 2021.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng vi phạm liên quan đến ĐVHD vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt trong năm 2020 khi mỗi ngày đường dây nóng bảo vệ ĐVHD 1800-1522 tiếp nhận khoảng 10 thông tin vi phạm về ĐVHD do người dân cung cấp. Tổng số vụ việc vi phạm về ĐVHD đã được ENV chuyển giao đến cơ quan chức năng trong năm 2020 là 1035 vụ việc. Con số này trong năm 2019 là 708 vụ việc.
Từ năm 2020, ENV tiến hành phân tích định kỳ hàng năm hiệu quả công tác xử lý các vụ vi phạm về ĐVHD do người dân thông báo của cơ quan chức năng tại 63 tỉnh thành, và so sánh giữa các tỉnh thành trên cả nước.