Chuyên gia Trung Quốc đề xuất sàng lọc virus corona ở động vật hoang dã

Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng động vật hoang dã nên được sàng lọc virus corona để giảm nguy cơ truyền lại các biến thể chết người cho con người.

Các chuyên gia y tế Trung Quốc đã kêu gọi sự giám sát chuyên sâu virus corona ở động vật hoang dã, cảnh báo rằng sự lây lan của loại virus này giữa các loài khác nhau có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn nữa.

Một số loài động vật đã được phát hiện là nhạy cảm với Covid-19 và khả năng đột biến liên tục của virus ở những động vật này, chẳng hạn như chồn, gây ra mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng nếu chúng lây truyền sang người, Gao Fu, tác giả chính báo cáo, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết.

Gao và đồng tác giả Wang Liang tại Học viện Khoa học Trung Quốc cho rằng “cần thực hiện sàng lọc Sars-CoV-2 trên quy mô lớn đối với động vật hoang dã trên cạn và dưới biển, đặc biệt là những loài dễ mắc bệnh để xây dựng các chiến lược phòng ngừa và kiểm soát hơn nữa”. Hoạt động này cũng có thể giúp “cung cấp thêm manh mối” về nguồn gốc của Covid-19.

Cho đến nay, đã có 11 loài được báo cáo là bị nhiễm Sars-CoV-2 trong thực tế bao gồm hổ, khỉ đột, báo tuyết và chồn; 14 loài khác được xác định có thể bị nhiễm bệnh thông qua các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Các tác giả cảnh báo đây chỉ có thể là “phần nổi của tảng băng chìm” đối với các loài động vật nhạy cảm vì đã có giới hạn trong phòng thí nghiệm sàng lọc các loài khác nhau về nguy cơ lây nhiễm, bao gồm cả động vật có vú ở biển.

Chồn là một trong những loài nhiễm bệnh. (Ảnh: Shutterstock)

Theo các tác giả, sự lây lan của virus qua hươu đuôi trắng ở Hoa Kỳ cũng cho thấy nguy cơ virus có thể đột biến và lây lan từ hươu sang động vật khác trước khi truyền cho người.

“Vì Sars-CoV-2 đang phát triển mạnh mẽ nên nhiều động vật hoang dã khác cũng sẽ bị nhiễm Sars-CoV-2 thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với hươu đuôi trắng hoang dã”, hai tác giả cảnh báo và cho biết thêm rằng các biện pháp như tiêu hủy quy mô lớn chồn nuôi ở Hà Lan không thể áp dụng với động vật hoang dã.

Một nghiên cứu gần đây của chính phủ Hoa Kỳ về hươu hoang dã ở một số bang trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2021 cho thấy khoảng 1/3 số hươu có dấu vết nhiễm trùng từ trước, mặc dù không có báo cáo nào về bệnh tật của các cá thể hươu. Các nhà chức trách thú y vào tháng 8 cho biết họ đang làm việc để đánh giá thêm bất kỳ rủi ro nào và kêu gọi những người săn thú giữ gìn vệ sinh khi xử lý thịt hươu.

Các chính phủ khác cũng đang tìm cách giảm thiểu rủi ro do tiếp xúc với động vật. Tại Phần Lan, trong tuần này, các nhà chức trách cho phép những người nuôi chồn sử dụng vắc-xin ngừa virus corona thử nghiệm trên những con vật được nuôi để lấy lông.

Trung Quốc cũng báo cáo sự lây nhiễm ở vật nuôi nhưng không phải trong gần 80.000 động vật hoang dã, gia súc và gia cầm được kiểm tra sau khi dịch bùng phát như một phần của nỗ lực xác định những động vật có thể liên quan đến sự lây nhiễm ban đầu của virus sang người.

Một số nhà khoa học nói rằng những con vật bị nhiễm bệnh có thể đã bị bỏ sót và hơn nữa, cần phải kiểm tra mục tiêu để tìm hiểu xem đây có phải là cách virus – được cho là có nguồn gốc từ dơi – lần đầu tiên lây lan sang người hay không.

Trong một bức thư riêng về nguồn gốc virus được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet tuần trước, Gao và các quan chức CDC đã kêu gọi các nhà khoa học quốc tế điều tra khả năng lây nhiễm sớm ở người và động vật trên khắp thế giới. Họ chỉ ra bằng chứng cho thấy virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) đã lưu hành trên lạc đà ít nhất hai thập kỷ trước khi một trường hợp trên người được xác định.

“Các nghiên cứu toàn diện về bộ gen ở các loài động vật nhạy cảm với virus là cần thiết để xác định vật chủ tự nhiên hoặc vật chủ trung gian”, các tác giả cho biết và lưu ý “tư duy cởi mở và hợp tác quốc tế chặt chẽ là những yếu tố then chốt để truy tìm nguồn gốc của bất kỳ loại virus nào”.

Trung Quốc cho biết họ hỗ trợ các cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc Covid-19 nhưng bác bỏ những gì họ coi là đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới có động cơ chính trị cho công việc giai đoạn tiếp theo, thay vào đó họ thúc đẩy sự tập trung chuyển ra ngoài biên giới Trung Quốc.

Linh Vy (Theo scmp.com)

Nguồn: