Sự tan chảy của băng vĩnh cửu ở Bắc Cực có thể giải phóng virus cổ đại và phóng xạ.
Theo bài báo ngày 6.10 của Science Times, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến các vùng ở cực bắc của Trái đất. Nghiên cứu mới nhất cho thấy sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có thể giải phóng các thành phần nguy hiểm như hóa chất độc hại và vật liệu phóng xạ được tích tụ từ thời Chiến tranh Lạnh, cũng như các vi sinh vật như virus đã mắc kẹt trong băng một thời gian dài.
Lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đã không ngừng đóng băng bề mặt của Bắc Bán cầu trong 800.000 đến 1 triệu năm. Tuy nhiên, những tác động tàn phá của khí hậu đã và đang tước đi từng vùng băng vĩnh cửu. Ngay cả trữ lượng băng cổ đại bị chôn vùi sâu bên dưới các lớp đá cũng đang dần bị nhiệt độ gia tăng gây ảnh hưởng.
Theo nghiên cứu, vi sinh vật được chứng minh là tồn tại ở sâu trong lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Các cấu trúc băng có thể tích tụ và chôn vùi nhiều loại sinh vật trong suốt hàng nghìn năm qua. Trước khi xác nhận các vi sinh vật trong lớp băng vĩnh cửu, một số chất độc và các thành phần chết người khác đã được ghi lại trong các nghiên cứu trước đây về Bắc Cực.
Ví dụ, các chất ô nhiễm như thủy ngân, DDT và các hợp chất arsenic đang tồn tại sâu dưới lòng đất. Ngoài ra, vẫn còn rải rác các tác động của bụi phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân.
Bên cạnh những mối nguy này, các virus cổ đại cũng có thể được thải ra từ lớp băng vĩnh cửu tan chảy. Điều tồi tệ sẽ xảy ra nếu những virus này “thức giấc”. Chúng ta có thể không đủ dữ liệu để tạo ra sức đề kháng, chẳng hạn như thuốc kháng sinh, để chống lại chúng.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực được phát hiện là đã giải phóng một lượng khí nhà kính không thể kiểm soát được. Nếu chúng ta không đề phòng, carbon dioxide và các hóa chất độc hại khác có thể được giải phóng cùng với các virus cổ xưa chưa được biết đến trong thời đại ngày nay.