Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày lượng rác nhựa thải ra môi trường là khoảng 2.500 tấn, trong đó khối lượng rác nhựa thải ra biển dao động trong khoảng 0.28-0.73 triệu tấn/năm.
Ô nhiễm nhựa đang là một mối nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của hầu hết các loài. Theo các số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, ước tính Việt Nam đã thải ra trên 31 triệu tấn rác thải sinh hoạt và gần 5 triệu tấn rác thải nhựa chỉ riêng trong năm 2018.
Nhựa chiếm đến 64% tỷ lệ vật liệu dùng trong ngành bao gói và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên. Trong khi đó chỉ khoảng 14% lượng rác thải nhựa được thu gom chủ yếu bởi những người nhặt rác (ve chai, đồng nát), tái chế bởi các DN nhỏ.
Theo một nghiên cứu gần đây của WWF-Việt Nam, sử dụng nhựa dùng 1 lần là một hành vi rất phổ biến. Mặc dù mức độ nhận thức của người dân về tác hại của rác nhựa đã được nâng cao nhất định trong thời gian qua, nhưng thói quen sử dụng nhựa dùng 1 lần chưa có dấu hiệu suy giảm rõ ràng.
Trong mua sắm cá nhân, người bán và người mua vẫn giữ thói quen thường xuyên dùng túi ni-lông để đựng đồ, dùng cốc nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa với đồ uống, kèm thìa, dĩa nhựa trong những phần ăn mang đi… Nhiều người tiêu dùng mong muốn hạn chế sản phẩm nhựa dùng 1 lần nhưng người bán mặc định cung cấp sẵn. Ngược lại, nhiều người bán muốn hạn chế túi nilon, ống hút, thìa dĩa nhựa… nhưng lo ngại việc khách hàng sẽ không hài lòng về dịch vụ.
Cùng với sự phát triển của mức sống và công nghệ, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng của người dân có sự gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi. Theo đó, những nỗ lực tuyên truyền mang đến cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn về trách nhiệm cá nhân trong giảm thiểu rác thải nhựa sẽ hỗ trợ nâng cao ý thức, ứng xử của thế hệ trẻ và các thế hệ tương lai trong việc giảm ô nhiễm nhựa, bảo vệ môi trường.
Giảm rác nhựa không chỉ là câu chuyện của các cơ quan quản lý, tổ chức bảo vệ môi trường, cộng đồng mà là việc của chính mỗi người, của chính mỗi gia đình. Mỗi cá nhân có thể chủ động giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần bằng cách từ chối túi ni-lông hay đề nghị người bán không tự động dùng ống hút cho ly nước của mình, đề nghị DN giảm đồ nhựa dùng 1 lần hoặc sử dụng các lựa chọn thay thế trong sản phẩm và dịch vụ, hay chủ động phân loại rác ngay tại nhà để tăng lượng rác có thể tái chế, giảm lượng rác thải ra môi trường…
Thông điệp “Giảm rác nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định việc đó” là nội dung chính của chiến dịch truyền thông của WWF-Việt Nam. Nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy các thói quen tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt hàng ngày theo nguyên tắc 4T: Từ chối – Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế. Chiến dịch hướng tới nhóm người tiêu dùng thế hệ mới và người tiêu dùng nói chung trên toàn quốc, đặc biệt những người sinh sống ở các khu vực duyên hải ven biển.
Trong chiến dịch này các thông điệp được triển khai theo một cách thức tiếp cận mới mẻ, thông qua các chất liệu văn hóa dân gian. Nhờ khai thác các chất liệu dân gian quen thuộc, chủ đề giảm rác thải nhựa trở nên gần gũi hơn, kết nối được các giá trị văn hóa truyền thống với tri thức hiện đại, thúc đẩy người dân ý thức được việc mình có thể góp phần quyết định sự trong sạch, bền vững của môi trường quanh mình, đồng thời mang đến một sân chơi thú vị và ý nghĩa, đặc biệt đối với người tiêu dùng trẻ.
Theo Giám đốc Chương trình Giảm nhựa, WWF-Việt Nam Nguyễn Thị Diệu Thúy, qua thực tế hoạt động từ Chương trình Giảm nhựa của WWF-Việt Nam thời gian qua, thấy rằng, việc nâng cao nhận thức của người dân về ô nhiễm nhựa chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để tạo nên những thay đổi tích cực đáng kể đối với vấn đề này. Thói quen sử dụng nhựa dùng 1 lần vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm rõ ràng nào, khả năng thay đổi các hành vi tiêu dùng nhằm phòng ngừa ô nhiễm nhựa trong xã hội còn chưa đạt như kỳ vọng.
“Thông qua chiến dịch truyền thông này, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tuổi, hiểu rõ hơn về ô nhiễm rác nhựa, giúp họ hiểu rõ hơn về vai trò cũng như sức mạnh của người tiêu dùng trong việc thay đổi hiện trạng ô nhiễm rác nhựa. Đồng thời tạo ra xu hướng giảm nhựa từ chính các DN cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà họ sử dụng, gắn với những giá trị mới như là người tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm xã hội, đặc biệt là trách nhiệm với tương lai” – bà Thúy nhấn mạnh.
Rác thải nhựa làm tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, đe dọa sự tồn tại của các sinh vật biển, tăng tốc độ suy thoái của các quần thể san hô và ảnh hưởng đến hệ thống vi sinh vật đại dương. Đặc biệt, hạt vi nhựa phân rã ra tự nhiên có mặt trong nước, hải sản, không khí và có thể hấp thụ vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp, để lại những tác hại tiềm ẩn khó lường đối với sức khỏe.