Sau nhiều vụ phá rừng, khai thác gỗ liên tiếp xảy ra gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các lực lượng chức năng chấn chỉnh công tác quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương.
Ngày 6/10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn về việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn.
Theo đó, trong những năm gần đây, tại một số địa phương, nhất là địa bàn huyện Bắc Trà My, Nam Trà My,… tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn còn xảy ra, nhiều nơi trở thành điểm nóng nhưng chủ rừng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng chưa có giải pháp để ngăn chặn, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng và gây bức xúc trong xã hội, làm giảm sút hình ảnh của tỉnh Quảng Nam trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học đã được đánh giá cao trong thời gian qua.
Để kịp thời ngăn chặn và xử lý hiệu quả tình trạng nêu trên, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Có giải pháp chấn chỉnh ngay công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, không để xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác gỗ trái phép trong thời gian đến như trường hợp ở huyện Bắc Trà My thời gian qua.
Trước mắt, các cấp cần tập trung tạo chuyển biến trong thực hiện việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, của chủ rừng trong quản lý, bảo vệ rừng thuộc lâm phận quản lý.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh khẩn trương phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động người dân thay đổi xu hướng, nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ rừng tự nhiên cũng như các sản phẩm từ rừng tự nhiên, khuyến khích người dân sử dụng gỗ rừng trồng hoặc vật liệu thay thế, không khai thác gỗ rừng tự nhiên để làm nhà. Xây dựng các chương trình, kế hoạch để tập trung giải quyết vấn đề sinh kế của người dân sống gần rừng để giảm áp lực lên rừng.
Rà soát, xác định các điểm nóng phá rừng, khai thác rừng, sản xuất kinh doanh lâm sản trái pháp luật, có kế hoạch xử lý triệt để. Tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể chính trị – xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Tổ chức thiết lập và duy trì có hiệu quả các đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm và thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tin báo vi phạm về lâm nghiệp.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra các vụ phá rừng, khai thác rừng trái phép đã phát hiện, nhất là đối với các vụ án hình sự đã khởi tố, đưa ra xét xử công khai tại địa bàn xảy ra vi phạm để giáo dục, răn đe phòng ngừa chung. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, nhất là có hành vi tiêu cực, tiếp tay cho người vi phạm pháp luật.
Lực lượng Công an, chính quyền địa phương cấp xã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ các đối tượng từ địa phương khác đến địa bàn cư trú và xâm nhập trái phép vào rừng để kịp thời phát hiện, xử lý và kiên quyết đẩy đuổi ra khỏi địa bàn.
Giao Sở Nông nghiệp và PTNT theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng, chính quyền địa phương; kịp thời chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý các tổ chức, cá nhân,người có trách nhiệm để xảy ra các điểm nóng vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng, lực lượng Kiểm lâm trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ và tổ chức điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án về phá rừng, khai thác rừng trái phép không để tồn đọng, kéo dài nhằm răn đe các đối tượng vi phạm.