Việc nhất trí với bất kỳ đàm phán nào cho phép Trung Quốc “vũ khí hóa” biến đổi khí hậu sẽ chuyển gánh nặng giảm phát thải của Bắc Kinh sang phần còn lại của thế giới.
Bài viết của Alicia Garcia Herrero và Simone Tagliapietra – nghiên cứu sinh cao cấp tại Bruegel, một cơ quan nghiên cứu tại Brussels.
Chỉ còn chưa đầy bốn tuần trước khi bắt đầu Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 của các bên, hay còn gọi là COP26, tại Glasgow (Anh), Trung Quốc ngày càng trở thành tâm điểm của sự chú ý về chính sách khí hậu toàn cầu.
Theo đó, Bắc Kinh đã bỏ lỡ thời hạn 31/7 do Liên Hợp quốc đề ra để đệ trình các cam kết giảm phát thải mới hay còn gọi là đóng góp do quốc gia tự cam kết (NDC), trước thềm hội nghị, làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của nước này theo Thỏa thuận Paris.
Dù cũng có một số quốc gia khác như Ấn Độ, Ả Rập Saudi và Nam Phi cũng bỏ lỡ thời hạn này, sự chậm trễ của Trung Quốc đem lại mối quan tâm lớn hơn cả.
Là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất toàn cầu, những cam kết của Trung Quốc được coi là chìa khóa cho sự thành công của COP26 và nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Yếu tố đáng lo ngại nhất đằng sau sự chậm trễ của Trung Quốc có thể cho thấy Bắc Kinh đã lên một kế hoạch kỹ lưỡng để “mặc cả” những cam kết biến đổi khí hậu của mình với những lĩnh vực khác mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gia tăng áp lực.
Theo Nikkei, trước khi Mỹ, và thậm chí cả Châu Âu phải xem xét bù đắp cho lỗ hổng cam kết của Trung Quốc nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060, có hai vấn đề phải được xem xét.
Thứ nhất, việc vũ khí hóa các biện pháp chống biến đổi khí hậu có thể là “con dao” cắt đứt hoàn toàn kỳ vọng hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến mối quan hệ song phương tiếp tục diễn biến căng thẳng. Điều này cũng có thể xảy ra trong mối quan hệ giữa nước này và liên minh châu Âu (EU), do tầm quan trọng ngày càng tăng của biến đổi khí hậu trong các ưu tiên của khối.
Thứ hai, hiện chưa rõ Trung Quốc đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết để hoàn thành các mục tiêu khí hậu mà họ đã đặt ra, cụ thể là đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2025. Than đá hiện vẫn chiếm 57 % cơ cấu năng lượng của Trung Quốc vào năm 2020, và không có dấu hiệu thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới, do mặt hàng này vẫn được nhà nước trợ cấp nhiều.
Riêng năm ngoái, Trung Quốc đã đưa vào sử dụng 38 gigawatt công suất nhiệt điện than mới, tương đương với toàn bộ công suất phát điện than của Đức. Trên cơ sở này, năm 2021 dự kiến sẽ đánh dấu mức tiêu thụ than cao nhất mọi thời đại của Trung Quốc. Hơn nữa, kế hoạch 5 năm lần thứ 14, được trình bày vào tháng 3, không thực sự mang lại đột phá về hỗn hợp năng lượng hiện có của Trung Quốc hoặc bất kỳ hành động nào khác để đảm bảo rằng lượng phát thải sẽ đạt đỉnh năm 2025.
Trong lần tham dự kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài.
Đây là một tin tốt, nhưng được đưa ra vào thời điểm nguồn tài chính của Trung Quốc cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài đang có xu hướng giảm mạnh. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 cũng đề cập đến việc phát triển hơn nữa ngành than, thay vì đưa ra mức giới hạn tiêu thụ than.
Đối với một số người, việc Trung Quốc đưa vào sử dụng hệ thống thương mại khí thải quốc gia là một dấu hiệu tốt, nhưng thực tế là hệ thống này vẫn rất kém thanh khoản kể từ khi thành lập vào ngày 16/7, với giá carbon hàng ngày vẫn trì trệ ở mức thấp từ 7-9 USD/tấn CO2, thấp hơn vài lần so với lượng carbon của châu Âu.
Với những điều trên, Mỹ hoặc EU không nên đồng ý với bất kỳ yêu cầu mặc cả nào của Bắc Kinh trong các lĩnh vực bao gồm thương mại, công nghệ và các biện pháp trừng phạt để đổi lấy các hành động chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là liên quan đến lượng khí thải đỉnh điểm vào năm 2025.
Việc nhất trí với bất kỳ đàm phán nào cho phép Trung Quốc “vũ khí hóa” biến đổi khí hậu sẽ chuyển gánh nặng giảm phát thải của Bắc Kinh sang phần còn lại của thế giới. Rủi ro rõ ràng nhất trong kịch bản này là các quốc gia khác có thể bắt đầu làm điều tương tự, cuối cùng làm tăng chi phí chung cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để tránh viễn cảnh này, Mỹ và EU cần hợp lực khi nói đến chính sách khí hậu. Phương thức rõ ràng nhất là thành lập một câu lạc bộ khí hậu, qua đó họ có thể phối hợp các biện pháp để tạo động lực giảm lượng khí thải toàn cầu vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia thành viên. Công cụ tốt nhất để giúp Mỹ và EU đạt được mục tiêu này là thiết lập các biện pháp điều chỉnh giới hạn phát thải carbon, đây nên được coi là bước đầu tiên hướng tới một cơ chế đa phương mở cửa cho tất cả các nước sẵn sàng tham gia.
Nhằm khuyến khích các nỗ lực trên của Trung Quốc, cơ chế điều chỉnh giới hạn phát thải carbon cần nhanh chóng có được phạm vi bao phủ rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp. Nhìn chung, chiến lược lớn của Trung Quốc nhằm tận dụng khí hậu để thu hút sự tham gia của Mỹ trong các chính sách khác, có thể là chất xúc tác để Mỹ và châu Âu hợp tác với nhau và sử dụng đòn bẩy của riêng họ để buộc Bắc Kinh phải có những hành động thực tiễn nhằm giảm lượng khí thải.