Không chỉ để mất rừng, đất đai bị lấn chiếm, mua bán, sang nhượng trái phép đất rừng mà ở các dự án nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn xảy ra tình trạng xung đột giữa người dân và các đối tượng liên quan. Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương.
“Điểm nóng” ở Công ty Đỉnh Nghệ
Theo nhiều hộ dân hiện đang sinh sống tại thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, việc tranh chấp đất rừng giữa Công ty TNHH Thương mại Đỉnh Nghệ (Công ty Đỉnh Nghệ) đã diễn từ rất nhiều năm nay. Một đêm cuối tháng 6.2021, các con của gia đình bà Lưu Thị Viện, ở thôn Quảng Tiến, đang ngủ trong căn nhà gỗ sát tỉnh lộ 6 thì bất ngờ ngửi thấy mùi xăng. Sau đó không lâu thì có ngọn lửa bốc lên sát giường.
Nhờ phát hiện kịp thời và có sự hỗ trợ của hàng xóm, đám cháy nhanh chóng được khống chế, không gây thiệt hại về người. Thế nhưng, nhiều tài sản trong nhà bà Viện đã cháy, hư hại.
Theo bà Viện, đây là lần thứ 2 căn nhà của bà Viện bị đốt. Bà Viện cho rằng, nguyên nhân của sự việc xuất phát từ việc tranh chấp đất giữa gia đình bà với Công ty Đỉnh Nghệ.
Gần nhà bà Viện, vườn caosu của anh Phạm Thế Phương cũng đang xảy ra tình trạng tranh chấp. Theo anh Phương, năm 2018, gia đình anh có mua số diện tích đất trên của một người đồng bào tại chỗ, khu đất này rộng hơn 3ha, có khoảng 170m mặt đường dọc Tỉnh lộ 6. Tuy nhiên, từ cuối năm 2020 một số đối tượng tự xưng là người của Công ty Đỉnh Nghệ thường xuyên vào khu đất của anh để tranh chấp. Việc phá hoại diễn ra liên tục, kể cả vào ban đêm khiến gia đình anh rất lo lắng.
Tương tự, gia đình anh K’Mao, ở bon N’Ting, xã Quảng Sơn khai hoang và canh tác 2ha đất gần 20 năm nay. Khi UBND tỉnh Đắk Nông giao đất cho Công ty Đỉnh Nghệ (năm 2009), diện tích của gia đình anh K’Mao nằm trong lòng của dự án. Lãnh đạo công ty biết được nguồn gốc đất nên đồng ý để nhà anh K’Mao tiếp tục canh tác. Thế nhưng gần đây, khu đất nhà K’Mao đã bị chiếm, bao dây thép gai xung quanh. Anh K’Mao cho hay, có một đám giang hồ vào đuổi, không cho làm. Họ chặt cây, rào thép xung quanh và dựng nhà tôn lên. Họ dọa rằng, nếu chúng tôi vào khu đất thì sẽ thả chó cắn chết.
Theo ông Lê Đình Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, những năm qua, trong các cuộc họp về rừng, lâm nghiệp địa phương đã mời lãnh đạo Công ty Đỉnh Nghệ rất nhiều nhưng không có ai đến tham dự, “bặt vô âm tín”. Hiện có rất nhiều người dân đanh sinh sống, canh tác trên phần đất thuộc dự án của Công ty Đỉnh Nghệ. Ở đây thường xuyên xảy ra nhiều vụ xung đột giữa người dân và các đối tượng lạ mặt gây mất an ninh trật tự cơ sở.
Người dân cho rằng, người tự xưng của Công ty Đỉnh nghệ đòi cướp đất, gây ra. Tuy nhiên, khi người dân báo cho chính quyền địa phương thì các đối tượng này liền bỏ trốn. Hiện địa phương đang đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông thanh tra 11 dự án nông lâm nghiệp với tổng diện tích thực hiện trên 12.800ha rừng và đất rừng. Kết quả cho thấy, trên 1.200ha rừng bị phá và hơn 3.200ha đất bị lấn chiếm, 4.600ha rừng phải khoanh nuôi, bảo vệ.
Ở nhiều dự án, việc phá rừng đã diễn ra ở toàn bộ diện tích được giao quản lý, bảo vệ. Còn theo Công an tỉnh Ðắk Nông, từ năm 2019 đến tháng 6.2021, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 272 vụ phá rừng tại các dự án nông, lâm nghiệp. Trong đó, có 268 vụ việc xử lý hành chính, 4 vụ chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra.
Nguyên nhân vì giao đất trên “giấy”
Hợp tác xã Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ Hợp Tiến (Hợp tác xã Hợp Tiếp) vừa bị UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định thu hồi dự án. Tuy nhiên, trước đó, trong quá trình hoạt động, tại dự án này liên tục xảy ra việc tranh chấp, chủ yếu diễn ra giữa chủ rừng với những người dân từ nơi khác đến mua đất, trồng cây nông nghiệp. Cũng có những vụ tranh chấp xảy ra giữa các xã viên với nhau.
Theo ông Nguyễn Đỗ Điệp, Giám đốc Hợp tác xã Hợp Tiến, nguyên nhân rừng bị phá là do nhập nhằng về ranh giới. Bởi vì trước đây, các cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện giao đất, giao rừng chủ yếu… trên “giấy” tờ.
Ông Điệp cho biết: “Dự án này được giao năm 2016. Lúc giao thì chỉ lấy 6 điểm tọa độ rồi khoanh lại thôi chứ không bàn giao trực tiếp tại hiện trường. Do bàn giao trên giấy nên khi Hợp tác xã triển khai dự án mới biết nhiều diện tích rừng đã bị phá, đất rừng đã có chủ. Sờ vào chỗ nào cũng là đất đã có chủ. Chính quyền giao cho Hợp tác xã không rành mạch nên mới xảy ra tranh chấp”.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn cho rằng, nhiều dự án nông, lâm nghiệp trên địa bàn không rà soát hiện trạng trước khi giao cho doanh nghiệp. Việc giao đất, giao rừng theo hình thức “khoanh trên bản đồ” đã làm xuất hiện những bất cập, tồn tại lớn từ khi bắt đầu triển khai các dự án.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp, toàn huyện có 14 dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tổng diện tích rừng và đất rừng các đơn vị quản lý là trên 15.000ha. Tại một số dự án, chủ dự án đã buông lỏng quản lý rừng, đất đai, gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, nhức nhối nhất là về phá rừng, lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng. Việc tranh chấp đất rừng diễn ra thường xuyên, hình thành các điểm nóng về an ninh trật tự. Các chủ rừng buông lỏng quản lý dự án, khiến địa phương gặp rất nhiều áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý dân cư.