Hóa thạch mới của 2 loài khủng long ở tỉnh Vân Nam, phía tây nam Trung Quốc đã được các nhà khoa học phát hiện.
Truyền thông địa phương cho biết các hóa thạch được phát hiện vào tháng 9.2021, đang lộ diện một phần trên mặt đất sau một số cuộc khai quật giai đoạn đầu ở huyện Lộc Phong, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin, những hóa thạch lộ ra sau khi mưa lớn rửa trôi lớp đất trong khu vực và dân làng địa phương là những người đầu tiên phát hiện ra.
Các nhà cổ sinh vật học từ Học viện Khoa học Trung Quốc và trung tâm bảo vệ hóa thạch khủng long địa phương đã được cử đến hiện trường để tiến hành nghiên cứu bộ xương của loài sinh vật khổng lồ từng thống trị Trái đất hàng triệu năm về trước.
Huyện Lộc Phong của tỉnh Vân Nam là được mệnh danh là đại bản doanh của khủng long vì có nhiều khám phá liên quan đến khủng long kỷ Jura tại đây. Trong đó, nổi tiếng nhất là Lufengosaurus – loài khủng long đầu tiên được phục dựng để trưng bày ở Trung Quốc vào năm 1938.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin ngày 1.10, tại huyện Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Viện Cổ nhân loại học và Cổ sinh vật học có xương sống (IVPP) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một loài mới thuộc loài Neosuchia – một loài động vật có xương sống ở kỷ Phấn Trắng 101 triệu năm trước. Loài mới được đặt tên là Yanjisuchus longshanensis, được cho là một trong những tổ tiên của loài cá sấu hiện đại ngày nay.