Nghiên cứu mới được công bố bởi các nhà khoa học Brazil cho thấy, nạn phá rừng mưa nhiệt đới Amazon có nguy cơ dẫn đến việc hơn 12 triệu người có thể gặp rủi ro về sức khỏe do nắng nóng khắc nghiệt.
Trong nghiên cứu về tác động của nạn chặt phá rừng và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, các nhà khoa học từ Quỹ Oswaldo Cruz và Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu vực rừng rậm Amazon.
Phá rừng tràn lan sẽ khiến rừng nhiệt đới có nguy cơ biến thành vùng đồng cỏ xavan với hệ sinh thái trảng cỏ xen cây bụi. Theo đó, mức nhiệt khắc nghiệt mà cơ thể con người không thể chịu đựng được về mặt sinh lý, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến các khu vực nơi có các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, bao gồm cả người bản địa, cư trú. Đây là nghiên cứu đầu tiên xác định các tác động của việc phá rừng tràn lan và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe và năng suất lao động của con người.
Nhiệt độ và độ ẩm cao làm suy yếu khả năng làm mát của cơ thể, dẫn đến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Tiếp xúc liên tục với những điều kiện như vậy dẫn đến mất nước và kiệt sức, và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, căng thẳng và suy sụp các chức năng quan trọng, có thể dẫn đến tử vong.
Các nhà khoa học đã có phát hiện cụ thể về cách mà nạn phá rừng nhiệt đới góp phần vào sự thay đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc phát thải carbon và giảm khả năng lấy thêm carbon ra khỏi khí quyển trong các khu rừng trên thế giới. Việc phá rừng nhiệt đới sẽ ngay lập tức làm tăng nhiệt độ khắc nghiệt cục bộ và giảm lượng mưa trong khu vực và địa phương.
Nghiên cứu cũng cho thấy rằng các hoạt động của con người gây ra mất rừng quy mô lớn ở Amazon, bao gồm cháy rừng, mở rộng sản xuất nông nghiệp và khai thác mỏ dẫn đến đô thị hóa không có kế hoạch, thiếu cơ sở hạ tầng, đã tác động nhiều hơn đến những người dễ bị tổn thương.
Khi tất cả các yếu tố này kết hợp lại, nạn phá rừng và các tác động của nó dẫn đến gia tăng bất bình đẳng, làm tăng nhu cầu cấp thiết về các dịch vụ y tế và bảo trợ xã hội ở vùng Amazon của Brazil.
Thêm vào đó, các tác động trực tiếp nghiêm trọng nhất có thể sẽ xảy ra ở miền Bắc Brazil. Với 5.565 thành phố tự trị của Brazil, có đến 16% trong số đó (tương đương 30 triệu dân) có thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng nhiệt do quá trình xavan hóa ở Amazon.
Theo ước tính, khoảng 30 triệu người sẽ chịu tác động của tình trạng sốc nhiệt cũng như những tác động khác về mặt sức khỏe do “thảo nguyên Amazon” gây ra từ nay đến năm 2100.
Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến người dân sống quanh khu vực Amazon và khu vực phía Bắc của Brazil. Đây là những địa phương có nguy cơ cao dễ bị tổn thương về mặt xã hội.
Ở khu vực này, khoảng 12 triệu người có thể phải đối mặt với nguy cơ căng thẳng nắng nóng cực độ vào năm 2100. Các tác giả cho rằng, với quá trình xavan hóa ở Amazon và khả năng thích nghi hạn chế ở miền Bắc Brazil, cư dân có thể phải đối mặt với các điều kiện sinh tồn bấp bênh, làm gia tăng các tác động như sự di cư hàng loạt.
Ngoài ra, việc gia tăng tiếp xúc với căng thẳng nhiệt có thể làm giảm năng suất lao động trong một số lĩnh vực của nền kinh tế, nếu người lao động tiếp xúc với điều kiện nhiệt gây tử vong. Ở Brazil, những người làm việc ngoài trời đã phải tiếp xúc với căng thẳng nhiệt và các dự báo cho thấy, mức độ rủi ro ngày càng cao trong những thập kỷ tới.