Một nghiên cứu mới cho thấy chỉ trong vòng chưa đầy một thế kỷ, lượng san hô, độ đa dạng sinh học và số cá đã giảm mạnh.
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết biến đổi khí hậu, đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường đã gây tổn hại nặng nề cho những hệ sinh thái mong manh này, đe dọa đời sống của các cộng đồng cư dân.
Tác động của môi trường đến san hô
Từ lâu, việc san hô bị đe dọa đã được biết đến, nhưng một nghiên cứu mới của nhóm các nhà khoa học Canada xuất bản trên tờ One Earth cho thấy nửa số rạn san hô đã bị phá hủy từ những năm 1950.
Nghiên cứu của họ, một trong những đánh giá toàn diện nhất về các rạn san hô và hệ sinh thái liên quan, nhấn mạnh tốc độ sụp đổ nhanh chóng của san hô toàn cầu.
Tyler Eddy – một nhà khoa học tại Đại học Memorial, Newfoundland, đồng tác giả nghiên cứu – chia sẻ rằng các rạn san hô là điểm tập trung sinh thái, cung cấp môi trường sống cho cá, bảo vệ cộng đồng cư dân trên bãi biển, cũng như tạo ra hàng tỷ đôla cho ngành công nghiệp đánh bắt và du lịch.
Theo nhà sinh vật học Mary Hagedorn (người không tham gia nghiên cứu này), “san hô có xương, khiến chúng giống như đá”, nhưng thực chất chúng là động vật, gồm tập hợp polyp sống cộng sinh với các tảo đơn bào. Chúng dựa trên tảo đơn bào nhiều màu – zooxanthellae – vốn sống trong mô của chúng và cung cấp thức ăn để san hô sinh tồn.
Khi những polyp chịu áp lực từ sự thay đổi trong ánh sáng, nhiệt độ hay nồng độ axit của nước, chúng phá vỡ mối quan hệ cộng sinh đó và đẩy tảo ra ngoài trong quá trình được gọi là “bạc màu”.
Chúng chỉ có một khoảng thời gian ngắn để lấy lại tảo màu, nếu áp lực kéo dài, cái chết của chúng không thể tránh khỏi. “Không một rạn san hô nào trên Trái Đất chưa bị ảnh hưởng bởi một vài nhân tố trong mối nguy cơ có quy mô địa phương và toàn cầu này”, Hagedorn nói.
Nửa lượng san hô đã chết
Phần lớn các đánh giá về san hô tập trung vào các vùng hay rạn cụ thể, nhưng Eddy và đồng nghiệp từ Đại học British Columbia muốn vẽ ra bức tranh toàn cảnh về lượng san hô đã chết.
Họ sử dụng dữ liệu tổng hợp từ hàng nghìn báo cáo về san hô, ghi chép về độ đa dạng sinh học biển cùng số liệu hải sản đánh bắt được để xem các yếu tố thay đổi thế nào theo thời gian.
Điều họ đặc biệt muốn biết là vai trò của san hô trong việc cung cấp “dịch vụ cho hệ sinh thái” trên các rạn đá, gồm tạo môi trường sống cho các loài động vật, bảo vệ bờ biển trong những cơn bão và đem lại nguồn thức ăn, nguồn sống cho con người.
Ngoài việc phát hiện hơn nửa số san hô đã chết từ năm 1950, các nhà nghiên cứu còn thấy độ đa dạng sinh học liên quan đến rạn san hô đã giảm 63%.
Các rạn khỏe mạnh là nơi sinh sống cho hàng nghìn loại san hô, cá và động vật biển khác nhau, nhưng san hô bạc màu không còn khả năng đó. Những nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng lượng cá bắt được ở rạn san hô tăng đỉnh điểm vào năm 2002, và giảm từ đó.
Nghiên cứu này cũng cho thấy lượng chết đi ở mỗi loài khác nhau, trong đó một số nhạy cảm hơn số còn lại, khiến các nhà khoa học lo ngại rằng sẽ có những loài san hô tuyệt chủng trước khi được ghi nhận hay bảo tồn.
Một thách thức cả nhóm gặp phải là tìm các thông tin chính xác, chi tiết về diện tích che phủ của các rạn san hô trong thập niên 1950. Để xử lý điều này, họ dựa trên những ước tính theo dòng lịch sử được nêu trong nghiên cứu công bố năm 2018. Trong nghiên cứu này, họ đã hỏi hơn 100 nhà khoa học về diện tích rạn san hô ở một năm bất kỳ, dựa trên chứng cứ có thật.
Mối quan hệ với con người
Eddy và các đồng nghiệp cũng ghi lại tác động của san hô chết lên các cộng đồng bản địa ven biển, những người có mối liên hệ văn hóa mật thiết với các rạn san hô. Những cộng đồng đó mất đi nguồn lợi từ hệ sinh thái, trong đó có lượng hải sản từ rạn san hô – vốn chiếm một phần quan trọng trong thực đơn của họ.
Mối liên hệ giữa con người và rạn san hô là một phần mấu chốt trong nghiên cứu này. Theo nhà sinh thái học Christina Hicks, nó đặt ra câu hỏi: “Đúng, ta đang đánh mất các hệ sinh thái, điều đó thật khủng khiếp, nhưng sự mất mát đó có ý nghĩa thế nào, với con người?”.
“Các rạn san hô có chức năng cung cấp vi chất thiết yếu cho cộng đồng địa phương, và nếu chúng biến mất, điều đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng”, cô nhấn mạnh.
Nghiên cứu này không đánh giá các nhân tố dẫn đến việc san hô sụt giảm số lượng ở những thập kỷ gần đây, nhưng đánh bắt quá mức và ô nhiễm từ nông nghiệp trên mặt đất gần đó là các yếu tố gây áp lực phổ biến.
Eddy và các chuyên gia khác đồng tình rằng mối đe dọa lớn nhất với chúng là biến đổi khí hậu, và những khu vực ít gây ảnh hưởng đến khí hậu nhất thường chịu tác động lớn nhất. Mỗi năm, đại dương hấp thụ khoảng 1/4 lượng CO2 thải ra từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và trở nên ấm hơn, có nồng độ axit cao hơn – môi trường không phù hợp với san hô.
“Có nhiều giải pháp để cứu các rạn san hô cũng như giảm lượng khí CO2, và mọi người thường tranh luận xem cách nào hiệu quả nhất. Nghiên cứu này cho thấy ta phải hành động ngay lúc này, và hành động theo nhiều hướng” – ông nói.