Từ xa xưa, sản phẩm từ động, thực vật hoang dã đã được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đang tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nhiều loài hoang dã trên thế giới. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và TRAFFIC mới đây đã kêu gọi ngành thuốc và thực phẩm chức năng tại Việt Nam tích cực hành động nhằm bảo vệ các loài động thực vật hoang dã.
Theo thông cáo từ TRAFFIC, trước tình trạng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm bị săn bắn, buôn bán trái phép làm thuốc như tê giác, hổ, tê tê, VCCI phối hợp với Hội Khoa học Các sản phẩm Thiên nhiên Việt Nam (VNPS), Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (VAFF) và TRAFFIC tổ chức tọa đàm trực tuyến với mục tiêu xây dựng nguồn dược liệu bền vững và hợp pháp cho ngành thuốc và thực phẩm chức năng, xóa bỏ việc sử dụng sừng tê giác cũng như những sản phẩm khác từ động thực vật hoang dã bất hợp pháp vì mục đích sức khỏe.
Bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam cho rằng: “Thuốc và thực phẩm chức năng là những ngành có thể tạo ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định của người tiêu dùng. Vai trò của các doanh nghiệp ngành này không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu những sản phẩm thuốc được nghiên cứu và kiểm chứng công dụng rõ ràng mà còn phải cảnh báo người tiêu dùng về tác dụng thổi phồng của những sản phẩm thuốc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, bất hợp pháp. Vậy nên, các doanh nghiệp dược phẩm và thực phẩm chức năng cần khẩn trương áp dụng các quy định về bảo vệ động thực vật hoang dã như một phần trong chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để đảm bảo bất kỳ sản phẩm động thực vật hoang dã nào họ đang khai thác không triệt đi nguồn cung hay đe dọa sự sinh tồn của các loài trong tự nhiên. Các thầy thuốc y học cổ truyền cũng nên kê đơn, sử dụng các dược liệu bền vững, có khả năng truy xuất nguồn gốc thay vì các sản phẩm có nguồn gốc từ động thực vật hoang dã bất hợp pháp, như sừng tê giác”.