Đánh giá về phục hồi rừng và cảnh quan ở châu Phi năm 2021 được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (NEPAD) công bố mới đây cho thấy, việc phục hồi các vùng đất bị suy thoái của châu Phi đang diễn ra chậm chạp và lời kêu gọi các nỗ lực hành động vì khí hậu đang tăng lên.
Được phát động trong Tuần lễ Khí hậu châu Phi và Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc, Đánh giá về phục hồi rừng và cảnh quan ở châu Phi năm 2021 cho thấy, các quốc gia cần phải làm nhiều hơn nữa để khai thác cơ hội của châu Phi nhằm trả lại đất đai cho sản xuất bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như sinh kế của người dân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Giám đốc phụ trách Chương trình khu vực của FAO ở châu Phi, Abebe Haile-Gabriel cho biết: “Mặc dù, châu Phi đã rất nỗ lực nhưng diện tích rừng bị mất đi ngày càng tăng, khiến châu lục này mất đi 3% GDP”.
65% diện tích đất sản xuất bị suy thoái
Theo đánh giá, có tới 65% diện tích đất sản xuất bị suy thoái, trong khi quá trình sa mạc hóa ảnh hưởng đến 45% diện tích đất đai của châu Phi. Mặc dù, diện tích rừng bị mất nhìn chung có xu hướng giảm nhưng tình trạng mất rừng thực sự vẫn đang gia tăng ở châu Phi, với 4 triệu ha rừng biến mất mỗi năm.
Hơn nữa, các vùng đất khô hạn của Châu Phi ngày càng dễ bị tổn thương hơn do biến đổi khí hậu và việc phục hồi chúng là ưu tiên hàng đầu để thích ứng và xây dựng các hệ thống lương thực bền vững và có khả năng phục hồi.
Giám đốc Abebe Haile-Gabriel cho biết: “Cảnh quan rừng bị suy thoái làm gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và là rào cản trong việc xây dựng các cộng đồng bền vững và thịnh vượng khi 60% người dân châu Phi phụ thuộc vào đất đai và rừng của họ”.
Sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa
Hầu hết các dự án được nhắc đến trong Đánh giá về phục hồi rừng và cảnh quan ở châu Phi năm 2021 đều tập trung vào đến biến đổi khí hậu, chúng không chỉ hướng đến cô lập carbon mà còn tạo ra công ăn việc làm và giảm nguy cơ mất an ninh lương thực của người dân ở nông thôn.
Bản đánh giá chỉ rõ sự tham gia của cộng đồng địa phương, cũng như hỗ trợ chính trị cấp cao và khả năng tiếp cận tài chính là rất quan trọng.
“Bên cạnh việc trồng cây, phục hồi rừng và cảnh quan là một cách tiếp cận toàn diện để trả lại cây và rừng cho khu vực bị mất rừng và mang lại lợi ích to lớn cho sản xuất lương thực bền vững, xây dựng khả năng phục hồi và giảm thiểu rủi ro thiên tai”, bà Nora Berrahmouni, Cán bộ Lâm nghiệp cấp cao của FAO tại châu Phi và là một trong những tác giả chính của Đánh giá nhấn mạnh.
Những thử thách phía trước
Theo Đánh giá, những khó khăn về tài chính kéo dài, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu là những thách thức lớn. Các rào cản khác bao gồm mất an ninh và xung đột, thiếu năng lực kỹ thuật và hạn chế tiếp cận do cơ sở hạ tầng yếu kém.
Bà Berrahmouni cho rằng, các nước châu Phi và các đối tác cần tiếp tục tăng cường nỗ lực trong việc phục hồi rừng và cảnh quan, coi đây là một giải pháp khả thi đối với biến đổi khí hậu và xây dựng hướng đi tốt hơn để ứng phó với COVID-19, đồng thời bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của châu lục này.
“Đó là một quá trình lâu dài nhưng là một giải pháp bền vững, hướng tới tương lai”, bà Berrahmouni nhấn mạnh.
Mai Đan (Tổng hợp từ UN News)