Vụ tịch thu 8 cá thể chim hồng hoàng còn sống gần đây tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia đã khẳng định mối nghi ngờ của các chuyên gia rằng nạn buôn bán chim hồng hoàng còn sống đang gia tăng ở Đông Nam Á.
Phân tích hồ sơ thu giữ trên khắp Đông Nam Á cho thấy vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm: Từ năm 2015 đến năm 2021, có tới 99 vụ buôn bán chim hồng hoàng còn sống liên quan đến 268 cá thể thuộc 13 loài. Trong số những vụ vận chuyển gần đây có cả cá thể hồng hoàng mũ cát (Rhinoplax vigil), một loài cực kỳ nguy cấp đang bị săn lùng đến bờ vực tuyệt chủng chỉ vì sở hữu chiếc mỏ đặc biệt giống như ngà voi.
Nhiều loài chim hồng hoàng thường bị buôn lậu trong tình trạng bị cắt rời bộ phận, do đó vụ thu giữ tại Malaysia khẳng định mối nghi ngờ của nhiều chuyên gia rằng những cá thể chim hồng hoàng còn sống đang bị buôn lậu từ Malaysia ra nước ngoài, và đây có thể là xu hướng trên toàn khu vực.
Hồi đầu năm, các chuyên gia cũng rất ngạc nhiên trước trường hợp hai cá thể hồng hoàng đặc hữu của Philippines (Buceros mindanensis) còn sống lần đầu tiên bị buôn lậu từ Philippines vào Indonesia bởi ở Indonesia, hầu hết các trường hợp buôn bán chim hồng hoàng đều diễn ra trong nước, giữa các hòn đảo.
Yoki Hadiprakarsa, người sáng lập Hiệp hội Bảo tồn Hồng hoàng Indonesia và thành viên nhóm chuyên gia hồng hoàng IUCN cho biết vụ bắt giữ chim hồng hoàng còn sống ở Malaysia khiến các chuyên gia cảnh giác cao độ. “Chúng tôi không chắc liệu những trường hợp này sẽ trở nên thường xuyên hơn hay chỉ là trong đại dịch: chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu. Câu hỏi được đặt ra là những cá thể này đến từ đâu? Từ tự nhiên hay các trại nuôi nhốt? Và chúng có nguồn gốc từ Malaysia hay Indonesia hay một nơi nào khác?”.
Mặc dù tất cả 8 loài chim hồng hoàng đều là loài có nguồn gốc từ Malaysia nhưng chúng có nguồn gốc từ tự nhiên hay nuôi nhốt hay được vận chuyển từ bên ngoài vào? Nhóm giám sát buôn bán động vật hoang dã quốc tế thuộc TRAFFIC đã tiến hành điều tra để giải đáp một phần câu hỏi này.
Thông qua việc rà soát các báo cáo tịch thu chim hồng hoàng còn sống từ khắp Đông Nam Á TRAFFIC khẳng định các trường hợp tịch thu gần đây ở Malaysia và Indonesia chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Từ năm 2015 đến năm 2021 có 99 vụ buôn lậu chim hồng hoàng liên quan đến 268 cá thể còn sống thuộc 13 loài. Serene Chng, nhân viên phụ trách chương trình Đông Nam Á của TRAFFIC cho biết những con số này có thể đánh giá thấp mối đe dọa thực sự vì dữ liệu thu giữ là “chắp vá”.
Mặc dù không phải tất cả các hồ sơ thu giữ đều ghi lại thông tin loài nhưng chim hồng hoàng Rhabdotorrhinus dirtygatus, chim hồng hoàng lớn (Buceros bicornis) và cao cát bụng trắng (Anthracoceros albirostris) là ba loài bị buôn bán nhiều nhất, chiếm một nửa số chim hồng hoàng bị tịch thu.
Cuộc điều tra cũng cho thấy chim hồng hoàng còn sống đang bị buôn bán trong biên giới cả quốc gia và quốc tế. Ngoài tuyến Indonesia-Philippines, các cá thể còn bị buôn lậu từ Indonesia sang Nga, Trung Quốc và Malaysia. 8 cá thể chim hồng hoàng bị tịch thu gần đây ở Kuala Lumpur được chuyển đến Bangladesh – một địa điểm trung chuyển trước khi được đưa tới một quốc gia chưa được xác nhận.
Ngay cả khi không có hoạt động buôn bán bất hợp pháp, chim hồng hoàng cũng đang bị đẩy tới nguy cơ tuyệt chủng do chu kỳ sinh sản chậm và các yêu cầu làm tổ vô cùng đặc biệt. Có hơn 30 loài ở châu Á và tất cả đều yêu cầu những cây lớn có hốc thích hợp để làm tổ.
“Chim hồng hoàng không thể sống mà không có rừng, chúng không thể sống mà không có cây. Nhưng rừng đang biến mất nhanh chóng và những cây gỗ lớn cũng bị đốn hạ… Các quần thể đang suy giảm do mất môi trường sống”, Yoki cảnh báo.
Hầu hết các loài sinh sản mỗi năm một lần, chim mẹ nuôi chim con trong tổ đến 5 tháng và hoàn toàn phụ thuộc vào chim bố trong việc nuôi dưỡng. Nếu cá thể đực bị giết, gia đình hồng hoàng cũng bị diệt vong. Vì vậy, mỗi cá thể chim hồng hoàng bị loại khỏi tự nhiên là một tổn thất lớn đối với quần thể vốn đang suy giảm.
Việc buôn lậu các cá thể hồng hoàng non trong một số vụ bắt giữ gần đây cũng cảnh báo tình trạng người mua có thể có ý định nhân giống và nuôi loài này để lấy đầu của chúng. Tuy nhiên, Yoki khẳng định mục đích này chắc chắn thất bại bởi chưa một trường hợp nào hồng hoàng được nuôi nhốt thành công do loài này “quá nhạy cảm và kén chọn”.
Theo cảnh báo của TRAFFIC, ít nhất 3.188 mỏ, đầu và hộp sọ hồng hoàng bị thu giữ từ năm 2010 đến năm 2020 trong 66 vụ tại 6 quốc gia, trong đó, đảo Borneo của Indonesia là điểm nóng về săn trộm hồng hoàng. Trong những năm gần đây, các nhà chức trách biên giới đã bắt giữ hàng loạt các khối thịt chim hồng hoàng được chuyển qua đường bộ đến Malaysia. Mặc dù biên giới quốc tế hiện đóng cửa do đại dịch nhưng những kẻ săn trộm và tổ chức buôn lậu vẫn tận dụng đại dịch để tích lũy các sản phẩm động vật hoang dã.
Mặc dù hồ sơ tịch thu cho thấy buôn lậu trực tiếp là mối đe dọa lớn nhưng thông tin cập nhật về các vụ vi phạm vẫn còn hạn chế. Không ai biết có bao nhiêu cá thể hồng hoàng bị lấy từ tự nhiên, chúng được lấy từ đâu hoặc kết thúc ở đâu. Điều quan trọng là tác động của tình trạng buôn bán này đối với các quần thể hoang dã hầu như không được nói đến trong bối cảnh số lượng quần thể đã suy giảm.
Theo Shepherd, giám đốc điều hành tổ chức Monitor, việc không có dữ liệu nghiên cứu có nghĩa là các chính sách bảo vệ chim hồng hoàng ở nhiều nơi trên thế giới đẫ bị chọc thủng bởi những lỗ hổng pháp luật, tạo điều kiện cho việc buôn bán bất hợp pháp tiếp diễn. “Cần có thêm thông tin, kiến thức về mức độ buôn bán, săn bắn, tiêu thụ chim hồng hoàng còn sống để chúng ta có thể ưu tiên loài nào cần được bảo vệ tốt hơn và luật pháp ở quốc gia nào nên được cải thiện”.
Theo Shepherd, một phần của vấn đề là nhiều loài chim hồng hoàng không được bảo vệ đầy đủ bởi Công ước CITES – hiệp ước quốc tế nhằm đảm bảo việc buôn bán động vật hoang dã vì mục đích thương mại không dẫn đến tuyệt chủng các loài. Trong nhiều trường hợp, chim hồng hoàng có thể được mua bán hợp pháp nếu có giấy tờ và tài liệu chính xác cho thấy loài chim này không được lấy từ tự nhiên.
Mặc dù hầu hết chim hồng hoàng còn sống bị buôn lậu có khả năng cao rơi vào tay các nhà sưu tập tư nhân giàu có nhưng một số cũng có thể bị “rửa” qua các vườn thú để tái xuất hoặc quay lại vòng buôn bán hợp pháp.
“Cần phải cải thiện Công ước CITES như một công cụ bảo vệ chim hồng hoàng khỏi nạn buôn lậu”, Shepherd đề nghị.
Về thương mại trong nước, tình trạng chim hồng hoàng bị nhốt bán ở các chợ chim không còn phổ biến như trước vì theo Shepherd, một phần do nhà chức trách tăng cường kiểm tra, rà soát, một phần do rất nhiều giao dịch đã chuyển sang trực tuyến. Do đó, các chính phủ nên đưa ra luật để loại bỏ thương mại trực tuyến. Ở một số quốc gia, việc quảng cáo động vật hoang dã được bảo vệ là bất hợp pháp, tuy nhiên, một số nơi chưa chú trọng điều này. Bên cạnh đó, các nền tảng kỹ thuật số cũng phải thực hiện vai trò của mình để hạn chế tội phạm về động vật hoang dã.
Nhiều tổ chức đang nỗ lực hợp tác để hạn chế vấn nạn này. Liên minh chấm dứt buôn bán động vật hoang dã bao gồm WWF, TRAFFIC và Quỹ quốc tế về phúc lợi động vật (IFAW) đã giúp các công ty trực tuyến đưa ra các chính sách nhằm trấn áp buôn bán động vật sống và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Thông báo mới của Liên minh cho thấy việc tham gia với 47 công ty cho đến nay đã giúp gỡ bỏ hơn 11,6 triệu danh sách động vật hoang dã bị cấm kể từ năm 2018. Dù vậy, quy mô buôn bán trực tuyến các sản phẩm từ chim hồng hoàng ở các khu vực Đông Nam Á vẫn báo động.
Báo cáo năm 2019 của TRAFFIC cho thấy riêng tại Thái Lan, có 236 bài đăng từ năm 2014 đến 2019, cung cấp 546 bộ phận và sản phẩm chim hồng hoàng thuộc 9 loài, trong đó hơn 80% mặt hàng là từ những cá thể chim hồng hoàng mũ cát. Chính phủ Thái Lan đã cưỡng chế ít nhất 5 trường hợp nhưng các giao dịch vẫn tiếp diễn.
Với mức độ tàn phá rừng ở Đông Nam Á như hiện nay, chim hồng hoàng đang gặp rất nhiều rủi ro và mối đe dọa, vì vậy cần truy tìm các điểm nóng buôn bán, săn trộm, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật tại các quốc gia, Shepherd nhấn mạnh.
Lan Thương (Theo Mongabay)