Đội tàu cá Trung Quốc vơ vét vùng biển Nam Mỹ

Đội tàu cá hàng trăm chiếc của Trung Quốc thắp sáng rực cả vùng biển Nam Mỹ mỗi đêm. Các chuyên gia cảnh báo đội tàu này có thể khai thác kiệt quệ tài nguyên ở khu vực.

3h sáng, tại khu vực ngoài khơi quần đảo Galapagos của Ecuador, tàu khảo sát, nghiên cứu Ocean Warrior bị vây quanh bởi những luồng ánh sáng chói lòa xé toạc màn đêm.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học châu Âu trên tàu Ocean Warrior tận mắt chứng kiến đội tàu cá lớn nhất thế giới. Đội tàu 300 chiếc của Trung Quốc giong buồm đi qua nửa vòng Trái Đất, đến tận Nam Mỹ để đánh bắt loài mực Humboldt, theo AP.

Tàu cá Trung Quốc hoạt động ngoài khơi quần đảo Galapagos. Ảnh: AP.

Đội tàu trong bóng đêm

Filippo Marini, một chỉ huy trên tàu Ocean Warrior, vội vã ghi lại ID điện tử của khoảng 37 con tàu đánh cá trước khi chúng biến mất trên màn hình radar. Và lúc này, thủy thủ người Italy lập tức phát hiện những dấu hiệu bất thường đầu tiên.

Tín hiệu từ 2 trong số các con tàu đột ngột biến mất, điều này có nghĩa thiết bị định vị bắt buộc trên tàu đã bị tắt. Một số con tàu khác vẫn bật thiết bị định vị, nhưng chúng phát đi hai sóng radio khác nhau, đồng nghĩa đây là những tín hiệu giả mạo.

Trong số hàng chục tàu cá Trung Quốc mà Ocean Warrior áp sát, 24 chiếc từng bị cáo buộc lạm dụng lao động trên tàu, đánh cá trái phép, hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định về hàng hải.

Đặc biệt, 16 tàu ra khơi với bộ truyền tín hiệu bắt buộc không hoạt động hoặc bị tắt, hoặc phát đi nhiều tín hiệu ID điện tử khác nhau. Có những chiếc truyền đi thông tin không chính xác về tên hoặc vị trí của tàu.

“Những dấu hiệu này thường đi kèm với hoạt động đánh cá trái phép”, theo AP.

Thủy thủ đoàn trên tàu Ocean Warrior bị chói mắt bởi ánh sáng từ đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh: AP.

Trong đội hơn 30 tàu áp sát tàu Ocean Warrior, 6 chiếc thuộc sở hữu của các công ty từng bị cáo buộc cưỡng bức lao động. Một trong số này là Chang Tai 802, con tàu mà một nhóm thủy thủ Indonesia từng cáo buộc họ bị mắc kẹt trên tàu trong nhiều năm.

9 tàu khác bị cáo buộc đánh cá trái phép ở nhiều khu vực trên thế giới. Một tàu chở nhiên liệu khổng lồ, có tên Ocean Ruby, vận hành bởi một công ty bị nghi ngờ bán dầu cho Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

“Bắc Kinh đang xuất khẩu nạn đánh cá quá mức tới Nam Mỹ. Trung Quốc là nước chịu trách nhiệm chính của tình trạng đánh bắt cạn kiệt cá mập và cá ngừ ở châu Á”, thuyền trưởng Peter Hammarstedt, giám đốc chiến dịch của Sea Sherphard, nhóm bảo tồn đại dương sở hữu tàu Ocean Warrior, cho biết.

Sau khi chứng kiến tàu cá Trung Quốc vét sạch nguồn thủy sản ven biển phía Tây châu Phi, ông Hammarstedt cảnh báo sẽ đến lúc tàu cá Trung Quốc gây ra điều tương tự ở ngư trường Nam Mỹ.

Miền Tây hoang dã

Trong đêm, tiếng gầm rú của động cơ có thể nghe được từ cách xa nhiều hải lý. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặng trên vùng biển nơi các tàu đánh bắt của Trung Quốc giăng ra những cái lưới khổng lồ, trong khi những con mực Humboldt vùng vẫy, phóng ra những túi mực trong nỗ lực trốn thoát tuyệt vọng.

Mực Humboldt là một trong những loài sinh vật biển giàu giá trị dinh dưỡng nhất ở bờ biển tây nam của Nam Mỹ. Các nhà khoa học tin rằng số lượng loài này có thể tăng lên rất nhanh khi đại dương trở nên ấm hơn, khiến các loài thiên địch như cá mập, cá ngừ biến mất.

Thế nhưng, các nhà sinh vật học cho biết loài mực này đang đối mặt nguy cơ tồn vong nghiêm trọng chưa từng có, nguyên nhân bởi sự bùng nổ của hoạt động đánh cá tại Nam Mỹ, mà Trung Quốc là tác nhân chính.

Số lượng tàu Trung Quốc hoạt động ở Nam Thái Bình Dương đã tăng 10 lần, từ 54 tàu hoạt động thường xuyên năm 2009 lên 557 tàu vào năm 2020, theo dữ liệu của Tổ chức Quản lý nghề cá khu vực Nam Thái Bình Dương (SPRFMO).

Tàu tiếp nhiên liệu Ocean Ruby đi cùng đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh: AP.

Trong cùng thời gian này, sản lượng thủy sản khai thác của tàu cá Trung Quốc tăng từ 70.000 tấn lên 358.000 tấn. Và đây mới chỉ là số lượng chính thức.

Hoạt động khai thác chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Mỗi tàu cá Trung Quốc sử dụng hàng trăm đèn công suất lớn giống như đèn chiếu sáng sân vận động để thu hút sự chú ý của bầy mực.

Mức độ tập trung của luồng ánh sáng lớn đến mức có thể thấy được từ vũ trụ. Ảnh chụp vệ tinh cho thấy ánh sáng từ đoàn tàu cá Trung Quốc mạnh tương đương những thành phố lớn tại Nam Mỹ.

“Nơi đó không khác gì miền Tây hoang dã. Không một ai có trách nhiệm thực thi pháp luật tại khu vực ấy”, ông Hammarstedt nói.

Các chuyên gia cảnh báo ngay cả những sinh vật với số lượng dồi dào như mực cũng có thể bị kiệt quệ trước nạn đánh bắt tràn lan. Dù chưa có tính toán chính xác số lượng mực Humboldt còn lại, các chuyên gia cho biết loài mức đã bắt đầu biến mất ở Argentina và Mexico.

“Nếu chúng ta có một nguồn tài nguyên khổng lồ và dễ khai thác, nguy cơ lớn là chúng ta rơi vào cái bẫy tư duy rằng nguồn tài nguyên đó vô tận. Nếu suy nghĩ như vậy, thiệt hại mà con người gây ra là không giới hạn”, William Gilly, chuyên gia thủy sinh vật Đại học Stanford, nói.

Ông Gilly cho biết mực là một phong vũ biểu quan trọng của môi trường biển. Loài mực đóng vai trò chuyển tiếp năng lượng trong chuỗi thức ăn, từ các sinh vật phù du sang những loài săn mồi lớn như cá mập và cá ngừ, và cuối cùng là con người.

“Những người đánh bắt mực có thể thấy hạnh phúc, nhưng họ đang góp phần làm thoái hóa đại dương”, nhà sinh vật biển Daniel Pauly cho biết.

Nhà nước chống lưng?

Hành trình săn mực ngoài khơi Galapagos của đội tàu Trung Quốc bắt đầu từ nhiều tháng trước ở vùng biển Đại Tây Dương phía Đông Nam Mỹ. Ngư trường đánh bắt tự do ở khu vực này nằm giữa vùng biển Argentina và quần đảo Falkland – nơi tranh chấp giữa Anh và Argentina.

Từ tháng 11/2020 đến tháng 5 vừa qua, tổng cộng 523 tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Argentina, tăng 35% so với năm trước đó.

Trong số này, 42% số tàu ít nhất một lần tắt thiết bị truyền phát tín hiệu bắt buộc. 188 phương tiện xuất hiện quanh quần đảo Galapagos từng tắt thiết bị định vị, 14 chiếc tắt thiết bị ở cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Thời gian tắt thiết bị kéo dài trung bình 34 giờ.

Không thể biết những con tàu đã làm gì khi chúng tắt sóng. Tuy nhiên, một số tàu ngắt kết nối nhằm tránh bị phát hiện tiến hành các hoạt động bất hợp pháp.

Hành trình của đội tàu cá Trung Quốc. Ảnh: AP.

Nhà chức trách Argentina từng phát hiện nhiều tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển của họ, thậm chí có tàu còn nổ súng bắn chìm tàu đánh cá của ngư dân địa phương.

Trong ngành khai thác thủy sản, tập đoàn Pingtan Marine của Trung Quốc và các công ty con đã đối mặt cáo buộc đánh cá trái phép bởi nhà chức trách nhiều nước như Nam Phi, Đông Timor, Ecuador hay Indonesia.

Pingtan Marine có đội tàu cá lớn thứ hai của Trung Quốc với cảng nhà ở thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Chủ tịch kiêm CEO của Pingtan Marine là Zhou Xinrong, được cho là có quan hệ với các quan chức cấp cao ở Bắc Kinh. Zhou xây dựng nên đế chế kinh doanh nhờ những khoản vay, trợ cấp hào phóng từ nhà nước.

“Pingtan Marine không phải một công ty đánh cá, thực tế nó là tài sản của chính phủ Trung Quốc”, Susi Pudjiastuti, cựu Bộ trưởng Nghề cá Indonesia, cho biết.

Báo cáo tài chính của Pingtan Marine năm 2019 cho biết tập đoàn này đang vay 280 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và các chủ nợ thuộc sở hữu nhà nước.

Một trong các quỹ đầu tư lớn nhất của chính phủ Trung Quốc năm giữ 8% cổ phần của một trong các công ty con thuộc Pingtan Marine. Trong 9 tháng đầu năm 2020, chính phủ Trung Quốc trợ cấp 29 triệu USD để Pingtan Marine đóng tàu và mua sắm trang thiết bị.

Nguồn: