Trung Quốc đang đối mặt áp lực gia tăng đáng kể từ tình trạng thiếu hụt năng lượng và sản lượng công nghiệp sụt giảm
Sự lây lan của biến thể Delta đang làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương, từ đó đe dọa đến sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 của khu vực này. Đó là nhận định được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong báo cáo mới nhất hôm 27-9.
Cụ thể, theo báo cáo, hoạt động kinh tế bắt đầu chậm lại trong quý II/2021 và WB đã hạ dự báo tăng trưởng đối với hầu hết nền kinh tế tại khu vực này. Đáng chú ý, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8,5% trong năm 2021, tăng so với mức 8,1% được đưa ra trong lần dự báo hồi tháng 4-2021.
Đối với phần còn lại của khu vực, con số này là 2,5%, thấp hơn so với mức 4,4% đưa ra trước đó. Riêng với Việt Nam, WB dự báo kinh tế tăng trưởng 4,8% năm 2021 (giảm so với mức 6,6% trước đó).
Theo ước tính của báo cáo, hầu hết quốc gia trong khu vực có thể tiêm chủng cho hơn 60% dân số vào nửa đầu năm 2022. Dù tỉ lệ tiêm chủng này không chấm dứt được dịch bệnh nhưng làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong và cho phép nối lại hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, WB cảnh báo thêm rằng sự kéo dài của dịch Covid-19 có nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng và gia tăng bất bình đẳng về lâu dài.
Vì thế, theo WB, khu vực này cần nỗ lực trên 4 mặt trận để ứng phó với đại dịch Covid-19: Giải quyết vấn đề do dự tiêm chủng và những hạn chế về năng lực phân phối; cải thiện hoạt động xét nghiệm và truy vết; tăng cường sản xuất vắc-xin trong khu vực; củng cố hệ thống y tế địa phương.
Trung Quốc được xem là một điểm sáng trong báo cáo mới của WB nhưng thách thức đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giờ đây không chỉ có dịch bệnh.
Một ngày sau khi WB công bố báo cáo trên, các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2021 do áp lực gia tăng đáng kể từ tình trạng thiếu hụt năng lượng và sản lượng công nghiệp sụt giảm.
Theo dự báo mới, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,8% năm nay, giảm so với tỉ lệ 8,2% được đưa ra trước đó. Tương tự, Công ty Tài chính Nomura (Nhật Bản) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong 3 tháng cuối năm nay từ 4,4% còn 3%.
Có một số lý do khiến phần lớn đất nước Trung Quốc lâm vào cảnh thiếu điện đột ngột. Nhiều khu vực trên thế giới đang mở cửa lại, thúc đẩy nhu cầu đối với các hoạt động gia công hàng xuất khẩu tại Trung Quốc.
Số lượng đơn hàng điện thoại thông minh, hàng gia dụng, thiết bị tập thể dục và các sản phẩm khác tăng mạnh, góp phần khiến sản lượng điện tiêu thụ gia tăng tại Trung Quốc. Những yếu tố khác góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng, theo báo The Guardian, là nguồn cung than bị thắt chặt và việc đặt ra tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung điện buộc các ngành công nghiệp khắp Trung Quốc phải cắt giảm sản lượng, cũng như khiến một số tỉnh phải chật vật để bảo đảm đủ điện sinh hoạt cho người dân. Goldman Sachs ước tính có đến 44% hoạt động công nghiệp của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng, khiến tăng trưởng GDP trong quý III/2021 giảm 1 điểm % so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài cú sốc năng lượng, nền kinh tế Trung Quốc còn đối mặt những rủi ro khác như hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm sút giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ của Tập đoàn Bất động sản Evergrande chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang đe dọa gây ra cú sốc mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà máy ở quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới này buộc phải tiết kiệm điện bằng cách hạn chế sản xuất. “Các thị trường toàn cầu sẽ nhận thấy sự thiếu hụt nguồn cung từ hàng dệt may, đồ chơi cho đến các linh kiện máy móc. Chủ đề nóng nhất ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển từ Evergrande sang thiếu điện” – chuyên gia Lu Ting tại Công ty Dịch vụ tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản), nhận định với trang Bloomberg. Không dừng lại ở đó, “cơn khát” điện tại Trung Quốc phần nào đẩy giá năng lượng ở những nơi khác cao hơn, trong đó có châu Âu. Giới phân tích cho rằng giá năng lượng leo thang tại Trung Quốc đã thu hút các nhà phân phối tăng cường vận chuyển khí thiên nhiên hóa lỏng đến nước này, buộc những nơi khác phải tìm nguồn cung thay thế. Trước mắt, các nhà sản xuất tại Trung Quốc cảnh báo việc áp dụng một loạt biện pháp hạn chế sử dụng điện sẽ làm giảm sản lượng tại các trung tâm kinh tế lớn, như 3 tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Quảng Đông và khiến giá cả leo thang. Ở miền Đông Bắc nước này, nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động để tránh vượt quá giới hạn tiêu thụ điện do Bắc Kinh áp đặt. Một số chuyên gia kinh tế cho biết các nhà sản xuất đã sử dụng hết hạn ngạch tiêu thụ điện nhanh hơn dự định trong năm nay do nhu cầu xuất khẩu tăng trở lại. Xuân Mai |