Từ tháng 9-2020 đến tháng 9-2021, Chương trình bảo tồn rùa Châu Á đã ghi nhận 1.912 cá thể rùa được rao bán trên mạng xã hội.
Theo đó, phần lớn các loại rùa phổ biến được rao bán là rùa núi vàng, rùa tai đỏ, rùa cạn, rùa núi viền…. Chỉ cần bỏ ra vài trăm đến vài triệu đồng là “thượng đế” có thể sở hữu cho mình một “boss rùa” yêu thích. Thậm chí là các loại rùa nằm trong danh mục quý hiếm, nguy cấp cần bảo vệ.
Trào lưu nuôi rùa làm thú cưng
Ngày 28-9-2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Tổ chức Động vật châu Á (AAF) và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) phối hợp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khi động vật hoang dã là thú cưng”.
Điều đáng nói, trong những năm gần đây, trào lưu nuôi thú cưng từ động vật hoang dã trong đó có rùa nổi lên rầm rộ. Có thể thấy, rùa được buôn bán mọi lúc mọi nơi, thông qua nhiều hình thức. Ngoài các chợ truyền thống, cửa hàng sinh vật cảnh, vỉa hè, điểm du lịch hay tại cổng chùa… thì các đối tượng còn tận dụng nền tảng xã hội để kinh doanh.
Không khó để tìm mua các loại rùa làm thú cưng trên internet. Chỉ cần gõ cụm từ “rùa cảnh” trên facebook thì có hàng loạt cá nhân, hội nhóm rao bán loài động vật này. Với tên gọi khác nhau Rùa cảnh Sài Gòn, Hội Yêu Rùa Cảnh Việt Nam, Hội Rùa Cảnh Việt Nam, Hội Mê Rùa… với sự tham gia của hàng triệu thành viên.
Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ – cán bộ Chương trình bảo tồn rùa Châu Á cho biết: Nếu như trước đây việc buôn bán và niêm yết giá bán công khai. Thì giờ đây các nhóm chuyển sang nhóm kín, sử dụng “mật ngữ” trong trao đổi, để qua mắt cơ quan chức năng và hệ thống lọc thông tin từ mạng xã hội.
Ngoài ra, các đối tượng còn thành lập hội nhóm với mục đích bảo tồn nhưng thực ra là quảng cáo trá hình, phục vụ lợi ích cá nhân. Nhìn chung các loài rùa được chọn làm thú cưng phần lớn là các con non thường có kích thước nhỏ, màu sắc đẹp, dễ nuôi, dễ vận chuyển và giá bán khá rẻ chỉ vài chục nghìn.
Dễ rước họa vào thân
Với đa dạng màu sắc, kích cỡ và hình dạng độc lạ,… rùa trở thành món hàng được rao bán nhan nhãn để làm thú cưng. Thế nhưng chính từ thú vui “tao nhã” này đã tiếp tay làm cho loài động này chạm đến mốc nguy cấp và tiềm ẩn những mầm bệnh gây hại cho con người. Như bao loài thú cưng khác, việc cầm nắm, ôm ấp rùa là điều hiển nhiên. Nhưng ích ai biết rằng loài vật tưởng chừng vô hại này lại mang trên người nhiều mầm bệnh nguy hiểm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vừa công bố thông báo điều tra cho biết số ca mắc bệnh nhiễm khuẩn Salmonella liên quan đến các loài rùa cảnh được nuôi làm thú cưng. Vi khuẩn này tồn tại trên mai và da của rùa. Theo đó, salmonella là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, với triệu chứng phổ biến là tiêu chảy. Ngoài ra còn các triệu chứng khác là sốt, co thắt dạ dày… trường hợp nặng có nguy cơ dẫn đến tử vong.
Theo các chuyên gia nhận định việc nuôi rùa không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cho cả người nuôi lẫn vật nuôi. Bởi rùa có thể mang mầm bệnh hoặc là trung gian truyền bệnh. Việc nuôi rùa cũng không hề đơn giản đặc biệt với những loại “khó tính” cần phải chăm sóc đặc biệt. Và chủ nhân nuôi rùa cũng dễ vướng vào vòng lao lý nếu “thú cưng” của mình thuộc nhóm được pháp luật bảo vệ.
Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk) đã tuyên phạt đối tượng H.M.T, 10 năm tù vì nuôi, nhốt trái phép 127 con rùa nguy cấp, quý, hiếm. Trước đó Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) đã xử phạt hai đối tượng P.N.T 12 năm tù và T.M.L 10 năm tù vì hành vi tàng trữ, buôn bán trái phép 39 tiêu bản đồi mồi.
Theo Sách Đỏ IUCN nước ta ghi nhận có 26 loài rùa cạn và nước ngọt. Trong đó có 4 loài sắp nguy cấp, 10 loài nguy cấp và 10 loài cực kỳ nguy cấp. Chính vì vậy việc bảo tồn loài vật này luôn được quan tâm.
Theo Điều 244 Bộ Luật hình sự năm 2017 về tội quy phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù 1-5 năm đối với hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.