Liên Hợp Quốc vừa có báo cáo mới nhất cảnh báo nạn buôn bán động vật hoang dã dù đã giảm mạnh trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh đang được dần kiểm soát và các biên giới được nới lỏng sẽ tạo điều kiện cho những kẻ buôn lậu quay trở lại.
Chính vì vậy, cơ quan này kêu gọi các nhà chức trách ở Đông Nam Á – “điểm nóng” buôn bán trái phép động vật hoang dã cần phải hành động ngay để ngăn chặn những kẻ buôn lậu quay trở lại khi kiểm soát biên giới được nới lỏng.
Theo Liên Hợp Quốc, hoạt động buôn bán các sản phẩm hoang giã là loại tội phạm sinh lời nhiều thứ tư trên thế giới, sau nạn buôn bán ma túy, người và vũ khí. Ước tính hàng năm, thế giới thất thoát 48 – 153 tỷ USD từ vấn nạn này, gần tương đương với mức viện trợ phát triển chính thức trên toàn cầu hàng năm (135 tỷ USD).
Tại Việt Nam, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận 1.645 vụ việc vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Gần nhất là đầu tháng 8/2021, cơ quan chức năng đã phát hiện và tịch thu được 24 cá thể hổ bị nuôi nhốt và vận chuyển bất hợp pháp tại 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Số lượng bắt giữ hổ nuôi trái phép kỷ lục này, theo các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã, mới chỉ là một phần của bức tranh về tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam. Hay trước đó, ngày 18/7, hải quan Đà Nẵng phát hiện và bắt giữ 138kg sừng tê giác và hơn 3 tấn xương động vật hoang dã nhập trái phép qua cảng Tiên Sa…
Đã có quá nhiều cảnh báo về mối liên hệ giữa động vật hoang dã với các dịch bệnh trong quá khứ. Thực phẩm từ thú rừng cùng với sự xâm lấn của con người vào môi trường hoang dã đang đưa nhân loại tiếp xúc gần hơn với các loại vi rút trong động vật.
Cần phải khẳng định, vi rút là một phần không thể thiếu của môi trường tự nhiên và không phải tất cả chúng đều khủng khiếp. Nhưng, dựa trên các hồ sơ theo dõi gần đây, các loại vi rút lây từ động vật sang người đều là những ca rất nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã, và điều này đã được thấy quá rõ ràng qua các đại dịch xảy ra khắp nơi như: HIV, Ebola, H5N1, SARS, vi rút đậu mùa, bệnh dại từ dơi xuất hiện ở vùng Amazon, vi rút Marburg ở châu Âu.
Mầm bệnh có thể “nhảy” sang người trong quá trình bắt, vận chuyển, giết mổ. Đặc biệt, mầm bệnh càng có khả năng lây lan nếu vệ sinh kém hoặc không sử dụng thiết bị bảo vệ.
Có thể nói, trải qua hàng thiên niên kỷ, cuối cùng chúng ta cũng bắt đầu hiểu được các kết nối vi sinh vật vô hình giữa con người và động vật. Chúng ta có thể không dự đoán được khi nào và đại dịch tiếp theo sẽ là gì, nhưng có một điều chúng ta biết rõ đó là mỗi người cần sẵn sàng dừng lại việc tiêu thụ thịt động vật hoang dã để tránh làm bùng nổ nguy cơ gây đại dịch trên toàn cầu.
Chính vì vậy, nhân loại đã, đang và sẽ còn phải điều chỉnh nhiều hơn nữa để xích lại gần nhau, để hài hòa với thiên nhiên. Cùng với tiếp tục những nỗ lực để chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch là những nỗ lực đổi thay ngày càng lớn hơn, khoa học và nhân văn hơn để làm nên những thành công trong hòa hợp và bảo vệ môi trường.
Với một đất nước đang phát triển, các nguồn lực còn hạn chế như Việt Nam, nhưng từ những người lãnh đạo cao nhất đến người dân bình thường đều đã đồng thuận không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế, đặt sức khỏe và sinh mệnh người dân lên trên hết.
Sự đồng thuận ấy phải biến thành sự sẵn sàng trong mọi bài toán quốc kế dân sinh, trong mọi sự chia sẻ, trong tâm thế và hành động của mỗi người dân.