Sau tuyên bố ngừng tài trợ điện than ở nước ngoài của Trung Quốc, 7 quốc gia phát triển và đang phát triển gồm Sri Lanka, Chile, Đan Mạch, Pháp, Đức, Montenegro và Anh mới đây đã công bố Hiệp ước “Không điện than mới” nhằm khuyến khích tất cả các quốc gia cam kết dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới trong năm nay để duy trì mục tiêu 1,5 độ C trong tầm tay.
Tuyên bố được đưa ra vào tuần trước tại Đối thoại cấp cao của Liên hợp quốc về năng lượng dưới hình thức Hiệp ước năng lượng với mục tiêu kêu gọi tất cả các quốc gia trên toàn cầu tham gia Hiệp ước trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu (COP26), dự kiến tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11 tới.
Đối thoại cấp cao về năng lượng là Hội nghị cấp cao do Tổng Thư ký lãnh đạo thảo luận, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại hội đồng Liên hợp quốc, diễn ra lần đầu tiên cách đây 40 năm. Cuộc đối thoại này công nhận vai trò quan trọng của năng lượng trong việc thúc đẩy các mục tiêu khí hậu cũng như các ưu tiên phát triển bao gồm các quy trình phục hồi COVID.
7 quốc gia khởi động Hiệp ước có thể vận động các quốc gia khác cam kết “không điện than mới” dựa trên nền tảng kinh nghiệm vững chắc của mình. Trong đó, Sri Lanka và Chile là hai quốc gia đáng chú ý nhất. Gần đây, cả hai đã thể hiện sự đi đầu trong việc hủy bỏ các dự án điện than mới và đưa ra các tuyên bố chính trị sẽ không theo đuổi năng lượng than mới nữa. Đan Mạch, Pháp, Đức, Montenegro, Anh cũng đã hủy bỏ các dự án than cuối cùng và hiện đang tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ ngừng sản xuất điện than còn lại.
Các quốc gia ký kết thừa nhận rằng các quốc gia, người lao động và cộng đồng ở các nước đang phát triển cần được hỗ trợ trong việc chuyển dần khỏi sản xuất điện than theo hướng bền vững và toàn diện về kinh tế. Trong số các hình thức hỗ trợ cần thiết, UN-Energy, Hội đồng Chuyển dịch Năng lượng và Liên minh Đưa than trở về quá khứ đã sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia bắt đầu quá trình chuyển đổi này.
Juan Carlos Jobet Eluchans, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Chile: “Chúng tôi có một kế hoạch loại bỏ đầy tham vọng đối với tất cả các nhà máy điện than vào năm 2040. Vì vậy, chúng tôi rất vinh dự được đồng khởi động Hiệp ước “Không điện than mới” này”.
Alok Sharma, Chủ tịch COP26: “Đưa than vào lịch sử là điều rất quan trọng để tránh biến đổi khí hậu thảm khốc… Chi phí cho các công nghệ tái tạo sạch tiếp tục giảm khiến than đắt đỏ và không có tính cạnh tranh. Tôi kêu gọi nhiều quốc gia tham gia Hiệp ước này trước COP26 và đóng góp vai trò của mình để hạn chế sự nóng lên toàn cầu và duy trì 1,5 độ C”. Greg Hands, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Tăng trưởng sạch, Vương quốc Anh: “Bằng việc ký kết thỏa thuận này, Vương quốc Anh và các quốc gia đối tác đang gửi đi một tín hiệu rõ ràng trên toàn thế giới rằng bây giờ là lúc để thực hiện hành động mạnh mẽ về khí hậu và chuyển đổi khỏi điện than một cách công bằng và toàn diện. Với việc Vương quốc Anh đã dẫn đầu trong việc cam kết loại bỏ điện than vào năm 2024 và các quốc gia như Sri Lanka, Malaysia và sắp tới là Pakistan, sáng kiến mới này đang kêu gọi các quốc gia khác làm theo cam kết tạm dừng xây dựng nhiệt điện than mới ngay bây giờ – một bước tiến thiết yếu hướng tới đảm bảo một tương lai được cung cấp năng lượng sạch, đáng tin cậy, giá cả phải chăng”. Svenja Schulze, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức: “Trong nhiều thập kỷ, than đá đảm bảo sự tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế. Ngày nay chúng ta biết rằng việc sử dụng than tiếp tục làm nóng khí hậu và đe dọa hành tinh của chúng ta. Do đó, điều cần thiết là tất cả các nước cam kết không xây dựng bất kỳ nhà máy nhiệt điện than mới nào và loại bỏ dần việc sử dụng than càng sớm càng tốt. Loại bỏ than không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ sự phát triển kinh tế và thịnh vượng. Với năng lượng tái tạo, chúng ta có một động lực mới, bền vững, thân thiện với khí hậu và tiết kiệm chi phí, không gây nguy hiểm cho sức khỏe cũng như hành tinh của chúng ta”. Dan Jørgensen, Bộ trưởng Bộ Khí hậu, Năng lượng và Dịch vụ tiện ích Đan Mạch: “Việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới phải dừng trong năm nay để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đó là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi chúng ta sát cánh cùng các quốc gia đầy tham vọng với mong muốn kết thúc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới. Hiệp ước năng lượng này là một bước quan trọng trên con đường loại bỏ hoàn toàn điện than và đưa điện than vào lịch sử tại COP26. Tôi khuyến khích tất cả các chính phủ tham gia sáng kiến rất quan trọng này”. |
Linh Nhi (Theo seforall.org)