Việt Nam hợp tác với một số quốc gia châu Phi phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán ĐVHD

Nam Phi và Mozambique là hai điểm nóng trong tuyến buôn bán trái pháp luật ĐVHD từ các nước châu Phi về châu Á. Theo ghi nhận của WCS từ những nguồn thông tin mở, trong giai đoạn từ 2017-2021, trong số 47 vụ bắt giữ liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê và ngà voi có nguồn gốc từ các nước châu Phi và điểm đến là Việt Nam, có tới 18 vụ cho thấy mối liên hệ giữa Việt Nam, Nam Phi và Mozambique. Chính vì vậy, đấu tranh với loại tội phạm xuyên quốc gia này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia này với nhau.

Trong các ngày 23-24/9, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS), Chương trình Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với một số quốc gia châu Phi trong phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia về buôn bán động vật hoang dã”.

Chương trình có sự tham gia của gần 150 đại biểu tham dự đến từ các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam; Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân một số tỉnh/thành phố có cảng biển, cảng hàng không và đường biên giới tại Việt Nam; Cơ quan Tổng chưởng lý Mozambique, công tố viên một số tỉnh của Mozambique; Cục giám sát và tuân thủ, Bộ Môi trường, lâm nghiệp và thủy sản Nam Phi; Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam; các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Hội thảo tập trung thảo luận về những khó khăn, thách thức và giải pháp từ các góc độ và cách tiếp cận khác nhau nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong xử lý các loại tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến các nước châu Phi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã (ĐVHD) từ Nam Phi và Mozambique về Việt Nam.

Các diễn giả tham dự phiên hội thảo ngày 23/9/2021. (Ảnh chụp lại từ màn hình Hội thảo trực tuyến)

Trong 02 ngày hội thảo, các đại biểu được cập nhật thông tin về tình hình buôn bán trái pháp luật ĐVHD từ một số quốc gia châu Phi, bao gồm Nam Phi và Mozambique về Việt Nam; kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý các vụ việc buôn bán trái pháp luật ĐVHD liên quan đến người Việt Nam tại Mozambique và Nam Phi; hợp tác giữa Việt Nam và Nam Phi trong bàn giao mẫu vật giám định, xác định nguồn gốc xuất xứ phục vụ công tác điều tra tội phạm… Đại diện của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Tổng chưởng lý Mozambique chia sẻ những khó khăn trong thực tiễn hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong đấu tranh, xử lý các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Các đại biểu cũng có thời gian và cơ hội thảo luận những giải pháp phòng, chống tội phạm và tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý tội phạm buôn bán ĐVHD liên quan đến các nước châu Phi. Những đóng góp, chia sẻ và thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy các nghiên cứu pháp lý về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tương trợ tư pháp trong quá trình giải quyết những vụ án buôn bán trái pháp luật ĐVHD có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và Nam Phi, Mozambique.

Hoạt động tập huấn, trao đổi kinh nghiệm từ năm 2018. (Ảnh tư liệu)

Ông Albino Macamo, Phó Tổng chưởng lý phụ trách các vấn đề về môi trường, Cơ quan Tổng chưởng lý Mozambique cho biết “Buôn bán ĐVHD trái pháp luật là hoạt động buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, với lợi nhuận hàng tỷ đô mỗi năm. Nó cũng gây ra tình trạng tham nhũng, đe dọa đa dạng sinh học và có thể ảnh hưởng đến chính sức khỏe cộng đồng và nền kinh tế. Hơn nữa, ngoài các yếu tố của các cơ chế chính sách, các nỗ lực hợp tác quốc tế cũng đòi hỏi một số yếu tố để phát huy tác dụng. Và bản thân mỗi quốc gia phải cam kết thực hiện các biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề thách thức toàn cầu này. Sau những hội thảo như thế này, các cuộc đối thoại song phương và đa phương cần thiết để tổ chức thường xuyên hơn. Nó sẽ góp phần vào việc thông qua hay tham gia vào các cơ chế điều phối đa phương.”

Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh “Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh các tội phạm xuyên quốc gia nói chung và tội phạm về buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) nói riêng từ một số quốc gia Châu Phi về Việt Nam đang là vấn đề nóng hiện nay. Chính vì vậy, hội thảo này không chỉ có có ý nghĩa về mặt lý luận mà có ý nghĩa về mặt thực tiễn rất lớn khi chúng ta đã cùng nhau hình thành được một diễn đàn đa phương trao đổi các vấn đề của khoa học pháp lý và thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp tác quốc tế trong giải quyết, xử lý các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm buôn bán ĐVHD xuyên quốc gia.”

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc Quốc gia, tổ chức WCS Việt Nam chia sẻ “WCS cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế và tăng cường chia sẻ thông tin và kiến thức để góp phần giải quyết tội phạm xuyên quốc gia. Chúng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ là các nhân tố thay đổi, làm cho Việt Nam là điểm trung chuyển và điểm đến nhưng KHÔNG phải về buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã mà là nơi các loài quý hiếm, bị đe dọa tuyệt chủng được bảo tồn và đa dạng sinh học được tái tạo.”

Nguồn: