Sở hữu vẻ đẹp nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng và cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, hai khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam giờ đây lại được mang trên mình diện mạo mới.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQ) là một danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, đa dạng.
Việc hai khu DTSQ Núi Chúa và Kon Hà Nừng chính thức được UNESCO công nhận đã nâng khu DTSQ thế giới ở Việt Nam lên con số 11, trở thành quốc gia có số lượng khu DTSQ đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Như vậy, sau sáu năm, nước ta lại có khu DTSQ thế giới mới được ghi danh.
Tài nguyên quý của Việt Nam
Được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam với thời tiết quanh năm nắng nóng, nhưng Khu DTSQ Núi Chúa lại hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích trên 106.646 ha, trong đó vùng lõi có diện tích trên 16.417 ha, vùng đệm trên 48.014 ha và vùng chuyển tiếp trên 42.131 ha.
Nói về giá trị của Khu DTSQ Núi Chúa, GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam nhấn mạnh, nơi đây là hình mẫu kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa bản địa.
Theo khảo sát mới nhất, hiện địa danh có 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN). Hệ động vật cũng đa dạng với 765 loài, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.
Ngoài ra, vùng biển của địa danh còn có rạn san hô rất phong phú với 350 loài và có quần thể rùa biển đến sinh sản hằng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Nếu như Núi Chúa là nơi hội tụ cả ba không gian rừng, biển và bán sa mạc, thì Cao nguyên Kon Hà Nừng lại có những đặc điểm chuyên biệt của rừng Tây Nguyên, sự phong phú của hệ sinh thái rừng kín nhiệt đới, tính đa dạng sinh học cao.
Đặc biệt, với diện tích 413.511,67 ha, Kon Hà Nừng còn được gọi là “Nóc nhà Đông Dương” với đỉnh núi cao nhất hơn 1.700m.
Tại đây, các loài động, thực vật ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao, 91 loài thực vật bậc thấp, 87 loài thú, 326 loài chim, 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng hiện là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp kết hợp với phần diện tích có cư dân sinh sống với văn hóa bản địa phong phú.
Hướng đi bền vững
Có thể thấy, việc hai khu DTSQ Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO vinh danh đã thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với sự phát triển đa dạng, độc đáo về giá trị tự nhiên, sinh học, động thực vật, giá trị văn hóa ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, việc công nhận này không đơn thuần là danh hiệu, mà còn tạo tiền đề để các địa phương xây dựng mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, gắn kết hài hòa con người và thiên nhiên.
Bởi vậy, để bảo tồn đa dạng sinh học khu DTSQ theo hướng bền vững, Ban quản lý Khu DTSQ Núi Chúa đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp về bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; các loài động vật, thực vật bản địa quý hiếm gắn với các chương trình phát triển du lịch sinh thái và tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Hiện nay, Khu DTSQ Núi Chúa cũng đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng, kết hợp với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa, đặc biệt là văn hóa Chăm.
Với Cao nguyên Kon Hà Nừng, việc quản lý, bảo vệ rừng, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng và chia sẻ lợi ích từ rừng đang được tiến hành ở khu vực hành lang kết nối giữa Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.
Mục đích của hoạt động này là đóng góp vào bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống của các cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động tạo điều kiện cho người dân tham gia vào bảo tồn, phục hồi rừng, phát triển các mô hình nông lâm nghiệp bền vững tại địa phương, góp phần giảm sức ép lên tài nguyên.
Chia sẻ về tin vui đến với địa phương, ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết: “Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận sẽ thu hút được các dự án trong nước và quốc tế đến đầu tư. Nơi đây cũng sẽ tập hợp được nhiều nguồn lực để bảo tồn thiên nhiên, phát triển kinh tế – xã hội, qua đó từng bước cải thiện cuộc sống người dân”.
Cũng bày tỏ niềm vui này, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cho rằng: “Kon Hà Nừng được công nhận sẽ là nguồn lực to lớn trong việc tổ chức các chương trình nghiên cứu khoa học, khám phá ra nhiều giá trị khác của khu vực cũng như tạo ra một nơi thực tế phục vụ cho công tác giáo dục bảo tồn”.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: “Việc hai khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận thể hiện rõ nét những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Sự kiện cũng giúp thế giới hiểu rõ hơn Việt Nam không chỉ là một đất nước phát triển năng động, mà còn là đất nước phát triển theo hướng xanh và bền vững”. |
Trách nhiệm ứng xử với danh hiệu
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các địa phương Ninh Thuận và Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, vận động UNESCO công nhận hai khu DTSQ của Việt Nam.
Chia sẻ về quá trình này, Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO cho rằng, đây là niềm vinh dự và tự hào lớn của Ninh Thuận, Gia Lai nói riêng và của Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đi cùng với đó là trách nhiệm ứng xử của các địa phương với danh hiệu, cũng như là trách nhiệm của từng người dân với thiên nhiên.
Trong thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ thành lập Ban Quản lý Khu DTSQ Kon Hà Nừng và thiết lập cơ chế hợp tác liên ngành nhằm bảo vệ, duy trì phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, bảo đảm phúc lợi của người dân và phát triển kinh tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, Tỉnh cũng thực hiện các kế hoạch quản lý, xây dựng các chương trình để phát triển khu DTSQ làm cơ sở huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các dự án khác có liên quan đến hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, tạo sinh kế phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên nói: “Chúng tôi cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO”.
Với tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Văn Tiếp, đại diện Khu DTSQ Núi Chúa cũng khẳng định: “Danh hiệu DTSQ thế giới mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế thân thiện với môi trường song hành với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bản địa. Đây cũng là cơ sở để địa phương lập quy hoạch, phân định vùng bảo tồn nghiêm ngặt, vùng bảo tồn và vùng được phép đầu tư phát triển ở các mức độ khác nhau”.
Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân: “Việt Nam đang là thành viên của Hội đồng điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển nhiệm kỳ 2017-2021, cũng là một trong những nước đi đầu thúc đẩy sáng kiến Ngày quốc tế về khu dự trữ sinh quyển 3/11 dự kiến được thông qua tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 vào tháng 11 năm nay. Việc được công nhận là khu DTSQ thế giới cũng tạo nhiều cơ hội để chúng ta được tiếp cận, áp dụng các sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững kinh tế xã hội, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu”. |