Đã có nhiều sự cố liên quan đến hồ thải quặng, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa bão, làm vỡ hoặc rò rỉ nước trong hồ, vùi lấp nhà dân, gây ô nhiễm môi trường, đe dọa đến tính mạng con người. Đến mùa mưa bão, nỗi lo này càng lớn hơn.
Nguy hại với môi trường
Ngành khai thác chế biến khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường nhất và các sự cố đã xảy ra chủ yếu liên quan đến các đập, hồ thải chứa quặng đuôi từ chế biến các loại khoáng sản khác nhau. Các chất độc hại bao gồm các kim loại nặng, axit, sulphate… từ chất thải đã theo nguồn nước từ khu vực mỏ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.
Ảnh hưởng do sự cố tràn chất thải hoặc sự cố chất ô nhiễm phát sinh từ chất thải chứa trong các hồ, đập thải quặng đuôi này đã tác động đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng ngay trong quá trình hoạt động chế biến và kéo dài cả khi đã ngừng hoạt động.
Cách đây không lâu, đập hồ chứa bùn thải của Nhà máy Tuyển quặng sắt Làng Mỵ (Yên Bái) xảy ra sạt lở. Khoảng 3.000 m3 đất, cát tràn xuống ruộng lúa dưới chân đập, tràn vào khuôn viên nhà của hai hộ dân gần đó. Ngoài ra, còn gây sạt lở đường dân sinh ra nghĩa trang nhân dân ở địa phương. Rất may, vụ sạt lở không có thiệt hại về người.
Được biết, hồ chứa chất thải của Nhà máy Tuyển quặng sắt Làng Mỵ rộng 3 ha, chứa gần 2 triệu m3 chất thải và đất, cát. Do mưa lớn kéo dài cộng với nhà máy đang tiến hành nạo vét lòng hồ khiến đập bị sạt lở làm 3.000 m3 cát, đất đá xuất phát từ việc nạo vét lòng hồ chưa kịp chuyển đi tràn xuống khu vực ruộng lúa. Tháng 8/2020, bãi thải của Nhà máy Tuyển quặng sắt Làng Mỵ cũng bị sạt lở một phần, ảnh hưởng đến nhà dân lân cận.
Thời gian qua, cả nước đã xảy ra một số vụ vỡ đập lớn ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đó là các trường hợp liên quan đến Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (Cao Bằng), Công ty Nhôm Lâm Đồng (Lâm Đồng), Công ty Apatit Việt Nam (Lào Cai), Công ty Đầu tư và Khoáng sản Tây Bắc (Yên Bái).
Nghiêm trọng là vụ vỡ hồ chứa nước thải Xưởng chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường của Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản công nghiệp 6666 tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) khiến vườn tược của hàng trăm hộ dân ô nhiễm.
Chưa quan tâm đảm bảo an toàn hồ chứa chất thải đúng mức
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, cả nước hiện có 120 hồ thải quặng đuôi với 109 đập chắn bãi thải thuộc 59 doanh nghiệp tuyển quặng đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố.
Đa số các hồ, đập quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc. Ước tính số lượng hồ thải trên 4 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai đã chiếm trên 50% tổng số hồ thải quặng đuôi trên cả nước, trong đó Bắc Kạn là địa phương có nhiều hồ đập quặng đuôi nhất với 21 hồ chứa.
Các hồ chứa có dung tích đa dạng từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3 tuỳ thuộc vào công suất khai thác, trong đó đa số các hồ chứa có dung tích vài trăm m3. Trên cả nước hiện có 10 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3 thuộc địa bàn 5 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Đắk Nông, Lâm Đồng, trong đó có 8 hồ đã đi vào hoạt động, chứa lượng bùn từ 30 đến 100% dung tích hồ chứa.
Với dung tích đã đầy, nguy cơ vỡ hồ chứa chất thải là rất lớn, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Chẳng hạn ở Lào Cai, ông Phạm Đức Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, đối với đập, hồ chứa bùn thải quặng đuôi, qua kiểm tra các đập, hồ thải của Công ty CP Nhẫn, tại xã Nậm Xây (Văn Bàn), Nhà máy Tuyển quặng Cam Đường (TP Lào Cai) của Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho thấy, Công ty CP Nhẫn chưa xây dựng các phương án ứng phó thiên tai trong tình huống khẩn cấp, phương án bảo vệ đập theo quy định của Bộ Công Thương.
Còn Nhà máy Tuyển quặng Cam Đường còn thiếu một số trang – thiết bị, hệ thống cảnh báo phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố quặng đuôi, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thải chưa gửi về cơ quan quản lý nhà nước xin ý kiến trước khi công ty phê duyệt…
Trong điều kiện thời tiết bình thường, thực tế nói trên đã là một mối đe dọa lớn đối với môi trường xung quanh, nhưng khi mùa mưa bão đến mối nguy từ những “túi nước” thải này tăng lên nhiều lần.