Sau hơn 3 năm triển khai, dự án khôi phục 335 ha rừng ẩm araucaria và trồng 250.000 cây bản địa ở miền Nam Brazil đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Araucaria còn được gọi là thông Brazil, chúng có môi trường sống trong rừng Ombrophilous hỗn hợp – một trong những hệ sinh thái rừng Đại Tây Dương từng bao phủ những vùng đất rộng lớn ở miền Nam Brazil. Nhưng hơn một thế kỷ khai thác gỗ thiếu kiểm soát đã dẫn đến việc rừng bị thu hẹp thành những mảnh nhỏ, phân tán.
Ở bang Paraná của Brazil, nơi araucaria là biểu tượng và thậm chí còn được đặt tên cho thành phố của thủ đô Curitiba, tuy nhiên, hiện chỉ còn 0,8% diện tích rừng nguyên sinh thủy được bảo vệ tốt, tương đương 60.000 ha trong số 8 triệu ha ban đầu. Đây cũng là lý do thôi thúc nhiều tổ chức nỗ lực chống lại tình trạng phá rừng đã buộc araucaria vào danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Hiệp hội Nghiên cứu Động vật hoang dã và Giáo dục môi trường (SPVS) là một trong những tổ chức như vậy. SPVS vận hành dự án bảo tồn mang tên Araucária Connection từ năm 2018 ở miền nam Paraná dựa trên phương châm một khu rừng bản địa được bảo tồn tốt có thể thúc đẩy nền kinh tế địa phương và mang lại lợi ích tài chính ngang bằng với nghề nông.
Mục tiêu ban đầu của dự án là khôi phục 335 ha rừng Ombrophilous hỗn hợp và trồng 250.000 cây giống bản địa vào tháng 5/2023. Cây giống được phân phối cho các Đơn vị bảo tồn và Khu bảo tồn thường trực (PPA) trong các trang trại nhỏ nhằm tạo cơ sở cho hầu hết những mảnh rừng còn lại trên cao nguyên Paraná.
Vitória Yamada, nhà sinh vật học điều phối dự án cho biết ngoài việc cung cấp cho nông dân một chiến lược phục hồi thông qua Chương trình cải tạo đất suy thoái (PRAD), dự án còn hướng đến việc thiết lập lại các dịch vụ hệ sinh thái. Đây là những lợi ích của tự nhiên, rất quan trọng đối với cuộc sống của con người và các hoạt động kinh tế. Một ví dụ là tài nguyên hydric được hình thành khi các con suối được phục hồi trong một khu vực được bảo tồn tốt.
“Chúng tôi biết dự án tự nó không thể thay đổi viễn cảnh đang đe dọa các khu rừng Araucaria nhưng nó là bước cần thiết nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, chủ doanh nghiệp và các chính trị gia về tầm quan trọng của rừng được bảo tồn tốt đối với nền kinh tế – xã hội nói chung và chất lượng cuộc sống nói riêng”, Yamada chia sẻ.
Bên cạnh việc thực hiện các dự án phục hồi, SPVS cũng tài trợ cho các sáng kiến bảo tồn, chẳng hạn như bảo vệ các khu vực tự nhiên tiếp giáp ở vùng núi ven biển thuộc các bang Santa Catarina, Paraná và São Paulo. Yamada cho biết cả bảo tồn và phục hồi đều là những thành phần quan trọng đối với việc quản lý thiên nhiên của khu vực.
Ngoài ra, SPVS cũng cung cấp các hoạt động giáo dục môi trường và thông tin về giá trị nội tại của thiên nhiên.
Chiến lược 250.000 cây con
Chiến lược đằng sau dự án Araucaria Connection là trồng cây con và xây hàng rào để cây con không bị động vật giẫm đạp trong các khu rừng ven sông và gần suối. Điều này tạo điều kiện cho các mảng còn lại của hệ sinh thái được kết nối lại thông qua các hành lang sinh thái nhỏ bên trong các PPA. Mục tiêu dài hạn là đa dạng sinh học tại địa phương sẽ được phục hồi và trao đổi di truyền sẽ tăng lên thông qua giao tiếp giữa các quần thể động thực vật.
Yamada cho biết: “Chúng tôi cung cấp và thực hiện kế hoạch phục hồi cho nông dân mà không tính phí. Đổi lại, nông dân thường tăng diện tích được bảo tồn trên tài sản của họ vượt mức quy định, dao động từ 5 – 30 m dọc theo các bờ sông, đồng thời duy trì hàng rào để bảo vệ cây trong suốt nhiều năm”.
Dự án Araucária được tài trợ bởi Japan Tobacco International. Ngoài ra, tổ chức này cũng hỗ trợ hoạt động bằng cách mua thuốc lá do nông dân đối tác trong vùng trồng, tạo điều kiện kết nối giữa nông dân và các nhà sinh học của dự án, mời họ tham gia sáng kiến. Cây con được cung cấp bởi Viện Nước và Trái đất (cơ quan môi trường của bang Paraná) cùng Hiệp hội Chauá – tổ chức nghiên cứu các loài quý hiếm và bị đe dọa trong rừng Ombrophilous hỗn hợp.
Trên thực địa, nông dân báo cáo rằng chỉ trong hơn 3 năm, dự án đã chứng tỏ hiệu quả: khoảng 240 ha đất đã được phục hồi, các khu vực quanh sông, suối được trồng cây bản địa và rào chắn cẩn thận, lượng nước suối cũng tăng lên và trong hơn.
Clavir João Antochechen, người trồng thuốc lá, ngô, đậu tương và đậu trong trang trại của mình ở thành phố Paulo Frontin đã nhìn thấy khu rừng ven sông có diện tích lớn hơn gấp đôi sau khi tham gia chương trình và trồng cây Ipe, quả óc chó, trà yerba mate, gỗ tuyết tùng Brazil và thông araucaria. “Vì việc trùng tu không tốn bất cứ chi phí nào nên chúng tôi quyết định tăng diện tích thảm thực vật bản địa xung quanh suối từ 7 – 15 m”.
Trong tương lai, Araucaria Connection sẽ mở rộng phạm vi dự án ra ngoài các khu vực phía Đông Nam và Nam trung tâm bang Paraná để tiến tới áp dụng trên toàn bộ cao nguyên phía Nam Brazil.
Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành SPVS Clóvis Ricardo Schrappe Borges chỉ trích chính sách môi trường hiện tại của Brazil nhưng tin rằng sẽ có nhiều người tham gia chương trình hơn nếu có thêm kinh phí.
“Xã hội của chúng ta vẫn chưa coi bảo tồn thiên nhiên là một quan hệ đối tác. Những khu rừng còn lại này rất quan trọng đối với lợi ích công cộng, nhất là với các chủ đất tư nhân vì họ phải tuân thủ Luật Lâm nghiệp”, Schrappe giải thích. “Các dự án như Araucaria Connection là bước đầu tiên sẽ dẫn đến kết quả trên quy mô lớn hơn. Chúng tôi có cơ hội để đảo ngược xu hướng suy thoái thiên nhiên bằng cách chuyển đổi các khu bảo tồn thành tài sản kinh tế có thể được tạo ra thông qua việc bảo tồn tốt”.
Theo Schrappe, cơ chế tài chính có thể được tạo ra thông qua việc ngăn chặn nạn phá rừng, trong đó các chủ đất tham gia bảo tồn rừng sẽ được chi trả dưới hình thức dịch vụ môi trường. Một trong những công cụ như vậy là ICMS Ecológico, sẽ có hiệu lực khi các thành phố tự quản duy trì các khu vực tự nhiên được bảo tồn tốt nhận được phần lớn hơn doanh thu từ thuế giá trị gia tăng ICMS của tiểu bang.
“Paraná là bang chặt phá nhiều nhất rừng mưa Đại Tây Dương ở Brazil trong 20 năm qua. Thách thức của chúng tôi là nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ từ xã hội để bảo vệ rừng, từ đó tạo ra quan điểm coi thiên nhiên là một phần không thể thiếu của hoạt động phát triển”, Schrappe cho biết.
Ý Nhi (Theo Mongabay)