Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 23-9 đến 6h ngày 24-9, trên địa bàn thành phố không ghi nhận ca dương tính mới với vi rút SARS-CoV-2. Đây là buổi sáng thứ hai liên tiếp thành phố không ghi nhận ca dương tính kể từ khi nới lỏng giãn cách xã hội (từ 6h ngày 21-9).
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4) là 3.955 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.599 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.356 ca.
Tính đến 18h ngày 23-9, thành phố có tổng số 654 điểm phong tỏa, trong đó số điểm đang còn phong tỏa là 28.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, hiện tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 2.987 trường hợp và 33 người tử vong do Covid-19. Ngoài ra, hiện còn 560 ca dương tính đang điều trị tại 5 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô và 2 cơ sở cách ly, điều trị.
Về công tác tiêm chủng, thành phố được phân bổ hơn 6,16 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó số vắc xin đã tiếp nhận là hơn 5,96 triệu liều. Đến 18h ngày 23-9, các quận, huyện, thị xã và các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố đã triển khai tiêm được hơn 6,5 triệu mũi, bao gồm hơn 5,7 triệu mũi 1 (đạt 95,3% dân số trên 18 tuổi và 69,1% tổng dân số Hà Nội); tiêm được hơn 782 nghìn mũi 2 (đạt 13% dân số trên 18 tuổi và đạt 9,42% tổng dân số).
Ngày 23-9, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra về xử lý vi phạm phòng, chống Covid-19.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị đã nỗ lực, quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, qua kiểm tra trực tiếp, tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị và phản ánh của một số cơ quan truyền thông, tại một số địa phương, đơn vị còn xuất hiện tồn tại, hạn chế như: Chưa thực hiện tốt nguyên tắc “5K”; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ nơi có ổ dịch, trong khu cách ly, điều trị ra cộng đồng; việc tiêm vắc xin Covid-19 chưa tuân thủ theo đúng đối tượng và quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế; chậm trễ trong việc tiếp nhận thông tin và hướng dẫn, vận chuyển người bệnh tới các bệnh viện điều trị Covid-19; giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19 chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân…
Ngoài ra, còn có tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, tăng giá bất hợp lý đối với khẩu trang, trang phục phòng, chống dịch, các loại thuốc có thông tin liên quan đến hiệu quả điều trị Covid-19…
Trước thực tế đó, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm từng bước kiểm soát tình hình dịch trong thời gian nhanh nhất, sớm nhất.
“Thực hiện xét nghiệm bảo đảm khoa học, thiết thực, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở từng nơi, tránh lạm dụng, lãng phí; triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả; kiểm tra, giám sát khắc phục ngay những tồn tại liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói chung, nhất là việc tổ chức xét nghiệm và tiêm vắc xin phòng Covid-19”, Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh phải tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn và trong từng đơn vị; việc thực hiện tiêu chí bệnh viện, phòng khám an toàn; chi phí khám, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19; việc thực hiện các quy định về giá dịch vụ chẩn đoán nhanh và xét nghiệm RT-PCR. Cùng với đó, thanh kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh sinh phẩm, thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19 nhằm phòng tránh việc đầu cơ, tăng giá… Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.