Hiện có khoảng 10.000 cá thể hổ ở Mỹ. 30 bang cho phép sở hữu tư nhân đối với những loài săn mồi như hổ với các yêu cầu rất đơn giản: giấy chứng nhận USDA và một giấy phép 30 đô la. 9 tiểu bang khác không yêu cầu giấy phép hoặc bất cứ sự cấp phép nào. Điều này cho phép hầu như bất kỳ ai cũng có thể sở hữu, nhân giống và bán hổ.
Hầu hết hoạt động buôn bán đều bắt nguồn từ nhu cầu cao đối với xương hổ và các sản phẩm phổ biến trên thị trường y học cổ truyền Trung Quốc.
Tại kho lưu trữ tài sản động vật hoang dã quốc gia ở Colorado, Mỹ, có rất nhiều sản phẩm từ hổ bị tịch thu, từ da, thuốc, đồ trang trí, móng vuốt cho tới đầu lâu… Tuy nhiên, theo Sarah Metzer, chuyên gia giáo dục tại Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. “Những gì bạn đang thấy có lẽ chỉ khoảng 10% tổng số hàng bị tịch thu từ các cảng nhập cảnh của Hoa Kỳ. Có quá nhiều hàng lậu và chúng tôi sắp hết chỗ chứa”.
Cũng theo Metzer, không chỉ riêng hổ hoang dã mới nằm trong các đường dây buôn bán bất hợp pháp mà hổ nuôi nhốt tại Mỹ cũng bị buôn lậu ra nước ngoài. Ngoài các sản phẩm từ hổ, kho lưu trữ còn có hàng ngàn bộ nội tạng và xương hổ, dù các nghiên cứu khoa học cho thấy những sản phẩm này không chứa dược tính. Tại Trung Quốc, chính phủ vẫn cho phép lưu hành các bài thuốc y học cổ truyền chứa động vật hoang dã miễn có nguồn gốc từ nuôi nhốt.
Phỏng đoán về mối liên hệ giữa nguồn hổ nuôi từ Mỹ với các sản phẩm được cung ứng cho thị trường Bắc Kinh, John R Platt, biên tập viên trang Revelator, đối tác truyền thông của Trung tâm Đa dạng Sinh học cho biết: “Rất nhiều mèo lớn ở Mỹ đã biến mất. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu những con hổ của Mỹ xuất hiện ở Trung Quốc”.
Tại Mỹ, mặc dù được liệt kê là nguy cấp theo Đạo luật về các loài nguy cấp của liên bang nhưng luật lại cho phép sở hữu tư nhân những cá thể hổ nuôi nhốt miễn là chúng được sử dụng để “bảo tồn”. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định không có bất cứ cá thể hổ nuôi nhốt nào được tái thả lại tự nhiên. Năm 1900, có khoảng 100.000 cá thể hổ trong tự nhiên thì nay chỉ còn khoảng 4.000 cá thể ở một số ít quốc gia. Câu hỏi đặt ra là nếu không có cá thể mèo lớn nào được trở lại tự nhiên thì việc sở hữu riêng mèo lớn mang lại lợi ích gì cho loài?
Nicole Paquette, Giám đốc chính sách và chương trình Hiệp hội Nhân đạo khẳng định không có bất cứ lợi ích nào từ việc nuôi nhốt hổ, thậm chí, sự tiếp xúc của công chúng với những cá thể mèo lớn còn thúc đẩy mọi sản phẩm bất hợp pháp từ loài mèo lớn như da, rượu, cao hổ…, tất cả đều đòi hỏi nguồn cung ổn định các bộ phận mà theo các chuyên gia rất có thể đến từ những cá thể hổ bị nuôi nhốt ở châu Á và châu Mỹ.
Andrea Crosta, người đứng đầu Earth League International, tổ chức giám sát tội phạm động vật hoang dã cho biết những kẻ buôn lậu động vật hoang dã sử dụng đúng các tuyến đường như buôn bán ma túy.
Ở Nam Mỹ, Crosta ghi nhận những chiếc răng và xương báo đốm bị săn trộm được vận chuyển đến Trung Quốc và bị gắn mác hổ, một hệ quả khác của việc buôn bán ảnh hưởng đến các loài khác. “Việc vận chuyển rất dễ dàng, bạn chỉ cần bỏ nanh báo vào túi và đi máy bay. Những chiếc răng nanh của báo đốm ở Nam Mỹ có giá từ 200 đến 300 đô la nhưng tại Trung Quốc, bạn có thể bán dưới dạng hổ với giá từ 5.000 đến 10.000 đô la”, Crosta cho biết.
Riêng tại California, trong số 260 đơn vị triển lãm được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp phép có khoảng 20 công ty được Hiệp hội Vườn thú và Thủy cung công nhận. Với rất nhiều huấn luyện viên Hollywood, công viên giải trí, trang trại nuôi nhốt, vườn thú ven đường và khu bảo tồn giả, California đứng thứ ba tại Hoa Kỳ về các vụ mèo lớn gặp nguy hiểm. Thị trường rất lớn nhưng các hình phạt thì không.
Phillip Land, nhân viên văn phòng thực thi pháp luật USFWS ở biên giới phía Nam cho biết không ít hành vi vi phạm về hổ đã bị phát hiện. Ở Brownsville, Texas, người dân còn cố tình buôn lậu hổ con bằng cách để chúng trong một túi rác và vứt qua biên giới. Hay năm 2005, một nhà chăn nuôi ở Colton, California đã bị kết tội gây nguy hiểm cho trẻ em và đối xử tàn ác với động vật sau khi nhà chức trách tìm thấy 11 hổ con và báo gấm trên gác mái, hai hổ con ở khu vực hiên nhà, 58 hổ con đông lạnh và khoảng 30 hổ con đang bị phân hủy trong khuôn viên. Công chúng có thể coi những hành vi phạm tội này là không đáng kể nhưng theo Land, nó thường diễn ra cùng một băng nhóm đi kèm với các tội danh khác. Và với nguồn lợi lớn từ hổ cùng quy định quản lý lỏng lẻo, vấn nạn này sẽ còn dai dẳng.
Thảo Vy (Theo Theguardian)