Nhóm nghiên cứu của Bộ Môi trường Campuchia (MoE) và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) hôm 21.9 cho biết, họ đã phát hiện 8 con cá sấu Xiêm non cực kỳ nguy cấp tại một khu bảo tồn ở tỉnh Mondulkiri, Campuchia.
Theo Tân Hoa Xã, 8 con cá sấu con đã được phát hiện vào đầu tháng này và hiện chúng đang sinh sống bình thường dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của kiểm lâm Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Srepok.
Bộ trưởng Môi trường Campuchia Say Samal cho biết, phát hiện này nhấn mạnh khu vực hoang dã Srepok là một điểm nóng có tiềm năng cao trong việc khắc phục tình trạng mất đa dạng sinh học và phục hồi các loài động vật hoang dã quan trọng trên toàn cầu. Phát hiện cũng chứng tỏ tầm quan trọng của Campuchia trong việc bảo tồn loài cá sấu cực kỳ quý hiếm.
Khám phá này là thành quả đền đáp cho nỗ lực nghiên cứu trong hơn 1 thập kỷ của Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Srepok.
Sothea Bun, thành viên nhóm nghiên cứu, cho hay: “Trong mùa sinh sản này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện theo dõi thực địa thường xuyên. Chúng tôi đã dành bốn đêm, từ 7h tối cho đến nửa đêm khoảng 2h sáng, để dò tìm các địa điểm sinh sống của cá sấu. Sau đó, khoảnh khắc thú vị xảy đến khi một người trong nhóm của chúng tôi lần đầu tiên phát hiện ra ánh mắt tỏa sáng của cá sấu con vừa nở”.
Milou Groenenberg, giám đốc nghiên cứu và giám sát đa dạng sinh học của WWF, nói: “Khám phá ở Srepok thực sự làm dấy lên hy vọng về việc bảo tồn và sự tồn tại của cá sấu Xiêm trong tự nhiên. Đây cũng là một phát hiện có ý nghĩa đối với loài này ở Campuchia và trên toàn cầu”.
Cá sấu Xiêm nước ngọt từng phổ biến khắp Đông Nam Á, nhưng đã biến mất khỏi phần lớn phạm vi lãnh thổ mà chúng sinh sống vào đầu những năm 1990. Cá sấu Xiêm được liệt kê trong Danh sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) là cực kỳ nguy cấp.
Tại Campuchia, ước tính có khoảng 200-400 cá thể cá sấu Xiêm trong tự nhiên. Tổng số lượng cá thể trưởng thành trên toàn cầu không vượt quá 1.000 cá thể.