Báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) vừa công bố cho thấy, hiện tượng nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn và với tác động xấu đi nhanh hơn so với hầu hết mô hình dự đoán trước đây.
Nguy cơ thảm họa hội tụ
Đây là Báo cáo tổng hợp những phát hiện khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, cho thấy nguy cơ một thảm họa hội tụ. Theo Báo cáo, trong 5 năm tới, 40% khả năng thế giới có thể vượt ngưỡng nóng lên 1,5 độ C, vốn từng được các nhà khoa học và Chính phủ các nước trên thế giới xác định là giới hạn mong đợi.
Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết trong thông điệp video kèm theo Báo cáo: “Chúng ta đã đạt đỉnh điểm về sự cần thiết phải hành động khí hậu. Mức tổn hại đối với khí hậu và hành tinh của chúng ta đã tồi tệ hơn chúng ta nghĩ và đang diễn ra nhanh hơn dự đoán. Báo cáo này chỉ rõ chúng ta đang đi lệch hướng đến thế nào”.
Theo Báo cáo mới và nghiên cứu gần đây khác của các tổ chức phi Chính phủ, tại Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Paris năm 2015, các quốc gia đã cam kết đưa ra các biện pháp nhưng không đủ, vì không thể ngăn chặn được xu hướng nhiệt độ toàn cầu nóng lên ít nhất 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này.
Ngoài ra, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu tiếp tục tăng. Trong đó, carbon dioxide hiện là khí nhà kính phổ biến nhất, đạt đỉnh vào năm 2019 và giảm xuống trong năm 2020 do đại dịch Covid-19. Phát thải các khí nhà kính khác, như metan và nitơ oxit, đang tăng lên nhanh chóng, nhiều hơn so với dự đoán của các mô hình khí hậu trước đây.
Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu trong giai đoạn từ năm 2017 – 2021 là một trong những mức nhiệt cao nhất được ghi nhận, ước tính từ 1,06 đến 1,27 độ C so với mức nhiệt của thời kỳ tiền công nghiệp (1850 – 1900). Điều này dẫn đến tác động là các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như sóng nhiệt, hạn hán và bão đang diễn ra sớm hơn và thường xuyên hơn so với mức nhiều người dự đoán.
Báo cáo mới của Liên hợp quốc đã khuyến khích các nước đưa ra những cam kết tham vọng hơn về hành động quốc gia nhằm chống lại biến đổi khí hậu tại Hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc ở Glasgow, Scotland vào tháng 11. Các nguyên thủ quốc gia cũng sẽ tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần tới, nơi sẽ đặt biến đổi khí hậu là chủ đề thảo luận chính.
Tuy vậy, bên cạnh việc thực hiện những cam kết đó, Chính phủ các nước cũng cần tuân thủ và thực hiện chính sách nhằm đạt mục tiêu cắt giảm khí thải. Liên hợp quốc nhấn mạnh, ngày càng có nhiều quốc gia cam kết thực hiện mục tiêu không phát thải ròng – đó là điều đáng khích lệ, nhưng để đảm bảo tính khả thi và đáng tin cậy, cần gấp rút phản ánh các mục tiêu này trong chính sách ngắn hạn và trong các hành động tham vọng hơn.
Kỳ vọng phát thải khí nhà kính giảm từ 12 – 26%
Liên quan đến hành động quốc gia nhằm chống lại biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc tế về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) cũng vừa mới công bố bản cập nhật về Kế hoạch hành động khí hậu quốc gia (chính thức được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định – NDC) do 191 quốc gia đã ký Thỏa thuận đệ trình. Công bố này bao gồm các cập nhật đối với NDC của 113 quốc gia chiếm khoảng 49% lượng khí thải toàn cầu, trong đó có cả các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Mỹ.
Các quốc gia đó nhìn chung kỳ vọng lượng phát thải khí nhà kính của họ sẽ giảm 12% vào năm 2030 so với năm 2010. “Đây là một bước quan trọng” – Báo cáo chỉ rõ, nhưng vẫn chưa đủ.
Ông Antonio Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta cần cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030, để đạt được mức độ trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này… Rõ ràng là mọi người đều phải chịu trách nhiệm của mình”.
70 quốc gia đã chỉ ra rằng họ chấp nhận các mục tiêu trung lập carbon vào khoảng giữa thế kỷ này và theo Báo cáo, nếu điều này thành hiện thực, nó có thể dẫn đến mức giảm phát thải thậm chí còn lớn hơn, khoảng 26% vào năm 2030, so với năm 2010.
“Báo cáo gần đây của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) là “báo động đỏ” cho nhân loại. Tuy vậy, Báo cáo cũng cho thấy rõ rằng, không quá muộn để đạt được mục tiêu 1,5 độ của Thỏa thuận Paris. Chúng ta có các công cụ để đạt được mục tiêu này, nhưng cần triển khai nhanh vì thời gian không còn nhiều”, ông Antonio Guterres nhấn mạnh. |
Mai Đan (Tổng hợp từ UN News)