Hôm nay (22.9) là ngày Tê giác Thế giới. Từ năm 2010, ngày này đã được lựa chọn nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo tồn tê giác.
Trong những năm gần đây, nhờ nỗ lực ngăn chặn tình trạng săn trộm và buôn bán trái phép sừng tê giác trên thế giới, số lượng cá thể tê giác bị săn trộm hàng năm ở Nam Phi đã giảm từ hơn 1.000 cá thể vào năm 2017 còn khoảng gần 400 cá thể vào năm 2020.
Tại Việt Nam, Bộ luật Hình sự mới đã được bắt đầu áp dụng từ năm 2018 với mức hình phạt nghiêm khắc hơn với tội phạm về động vật hoang dã nói chung và tê giác nói riêng.
Một đối tượng có thể bị xử phạt tối đa lên tới 15 năm tù giam với các vi phạm liên quan đến tê giác và sừng tê giác, cao hơn gấp đôi so với mức 7 năm tù giam của Bộ luật Hình sự cũ.
Mức hình phạt cao nhất với một đối tượng vận chuyển, buôn bán sừng tê giác trái phép từng được áp dụng cho đến nay là mức hình phạt 12 năm 6 tháng và phạt bổ sung 100 triệu đồng cho đối tượng vận chuyển trái phép 11 khúc sừng tê giác nặng 28,7 kg bằng đường hàng không từ Mozambique về Việt Nam được Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đưa ra xét xử vào cuối tháng 12.2020.
Trước đó, tháng 11.2020, Tòa án nhân dân quận Tân Bình cũng tuyên phạt một đối tượng buôn lậu sừng tê giác từ Mozambique về Việt Nam mức án 6 năm tù sau khi đối tượng bị phát hiện vận chuyển 12 khúc sừng tê giác trắng nặng 6,1kg trong vali hành lý ký gửi.
Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong số 20 vụ án liên quan đến buôn bán trái phép sừng tê giác có đối tượng bị bắt giữ từ năm 2018 đến nay, 14 vụ án đã được đưa ra xét xử.
Trong đó, bản án tù giam nghiêm khắc cho một hoặc nhiều đối tượng vi phạm cũng được áp dụng trong 11 vụ án. Mức án phạt tù trung bình dành cho tội phạm về sừng tê giác từ năm 2018 đến tháng 7.2021 là 6,15 năm – cao hơn 2 năm so với mức án trung bình chung dành cho các tội phạm về động vật hoang dã.
Tuy nhiên, những mối đe dọa tới quần thể tê giác thế giới vẫn còn tiếp diễn và tê giác tại châu Phi vẫn tiếp tục bị sát hại để lấy sừng, phục vụ nhu cầu tiêu thụ sử dụng tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam không chỉ bị coi là một trường tiêu thụ sừng tê giác lớn trên thế giới mà cũng đồng thời được biết đến là một quốc gia trung chuyển sừng tê giác từ châu Phi sang Trung Quốc.
Một số đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác và ngà voi do người Việt cầm đầu vẫn đang hoạt động mạnh ở các quốc gia châu Phi và sử dụng ngày càng nhiều những phương thức, thủ đoạn tinh vi để có thể nhập lậu sừng tê giác vào Việt Nam.
Theo ENV, hoạt động quảng cáo, rao bán sừng tê giác trên Internet lại đang có dấu hiệu tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Riêng năm 2020, ENV đã ghi nhận 74 vụ việc vi phạm, trong đó có 62 vụ việc về quảng cáo, rao bán sừng tê giác trên Internet. Các cơ quan chức năng cũng tịch thu gần 140kg sừng tê giác trong 5 vụ án. Con số vụ việc về sừng tê giác được ENV ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2021 là 34 vụ việc.
Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng trên cả nước sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực đấu tranh với các vi phạm về ĐVHD nói chung và sừng tê giác nói riêng, đặc biệt là cần tập trung các nguồn lực vào việc điều tra, làm rõ các đường dây buôn bán, vận chuyển sừng tê giác trái phép và những đối tượng đứng sau hoạt động của các đường dây này…”
ENV khuyến khích người dân cùng góp sức bảo vệ tê giác bằng cách thông báo vi phạm về tê giác đến đường dây nóng bảo vệ ĐVHD miễn phí 1800-1522 hoặc cơ quan chức năng địa phương gần nhất. |