Mặc dù Hà Nội đã nới lỏng nhiều hoạt động, dịch vụ, nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn rất lớn, hiện còn 11 ổ dịch phức tạp, người dân không nên chủ quan, lơ là phòng chống dịch.
Thông tin từ Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, cho biết, đến ngày 21/9, Thành phố Hà Nội còn 11 ổ dịch phức tạp.
1. Ổ dịch Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân (589 ca)
2. Ổ dịch Văn Miếu, Đống Đa (120 ca)
3. Ổ dịch Văn Chương, Đống Đa (100 ca)
4. Minh Khai, Hai Bà Trưng (60 ca)
5. Ổ dịch chung cư A1-A4-A5 Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai (26 ca)
6. Ổ dịch Thanh Liệt, Thanh Trì (19 ca)
7. Ổ dịch Việt Hưng, Long Biên (18 ca)
8. Ổ dịch Tả Thanh Oai, Thanh Trì (10 ca)
9. Thụy Hương, Chương Mỹ (05 ca)
10. Liên Phương, Thường Tín (04 ca)
11. Chung cư Đồng Phát, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai (04 ca)
Toàn Thành phố có 2.804 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, hiện còn 733 ca bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế.
Tổng số điểm phong tỏa trên địa bàn là 653 điểm tính đến 14h00 ngày 21/9/2021. Số điểm đang còn phong tỏa: 43/653 tổng số điểm phong tỏa với khoảng 21.900 người.
Lũy kế đợt 4 đến 14h00 ngày 21/9/2021: Hà Nội có 4.204 ca, trong đó: 1.597 ca ngoài cộng đồng; 1.623 ca trong khu cách ly, 722 ca trong khu phong tỏa; 213 ca trong bệnh viện; 49 ca nhập cảnh.
Trong đó từ ngày 24/7/2021 (giãn cách theo Chỉ thị số 17) đến nay: 3.287 ca (897 ca cộng đồng, 1.646 ca mắc trong khu cách ly, 722 ca mắc trong phong tỏa, 05 ca trong Bệnh viện và 17 ca nhập cảnh).
Trải qua 60 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, từ 6h ngày 21/9, thành phố áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế, cho phép nhiều hoạt động, dịch vụ được mở cửa trở lại như cắt tóc, gội đầu, cửa hàng ăn uống,…
Thành phố sẽ không áp dụng quy định phân vùng, không áp dụng cấp giấy đi đường cho tổ chức, cá nhân di chuyển trên địa bàn thành phố, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác phòng chống dịch, trong giám sát, truy vết, quản lý di biến động của người dân.
Hà Nội duy trì phong tỏa hẹp, quản lý chặt các điểm phong tỏa trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ truy vết khi có trường hợp dương tính phát sinh để ngăn chặn, cách ly ngay nguồn lây. Điều chỉnh hoạt động tại các khu vực ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, khu vực cách ly, phong tỏa cũng như điều chỉnh hoạt động trên các địa bàn phù hợp thực tiễn một cách linh hoạt. Đồng thời, giao các địa phương quy định cụ thể để tạo điều kiện tốt nhất trong quản lý.
Các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 cho người dân; tập trung xét nghiệm đối với những người nghi ngờ hoặc xuất hiện các triệu trứng ho, sốt, khó thở…
Hà Nội đề nghị người dân thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác…
Trước đó, tại họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố diễn ra vào ngày 20/9, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn, vẫn có một số chùm ca bệnh, tại một số khu vực mật độ dân cư đông, ngõ chật hẹp,… vì thế, thành phố xác định nới lỏng một số hoạt động nhưng kèm theo là yêu cầu chặt chẽ về phòng dịch.
Mục tiêu hàng đầu đặt ra trong thời gian tới là đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân, giữ an toàn cho Thủ đô, tiếp tục kiểm soát tốt tình hình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến khó lường, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng mũi 2 cho người dân, điều chỉnh giải pháp an toàn, đảm bảo an sinh xã hội, sản xuất kinh doanh dịch vụ phù hợp với diễn biến dịch bệnh.