Số lượng shipper trên địa bàn TP.HCM đăng ký hoạt động trở lại tăng đột biến, theo đó TP sẽ cho phép hơn 800 trạm y tế lưu động hỗ trợ xét nghiệm cho lực lượng này.
Ngày 19-9, có hơn 82.000 shipper đăng ký hoạt động trên địa bàn TP.HCM, tăng gấp năm lần so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, để được hoạt động, các shipper trên phải có kết quả âm tính với COVID-19. Đó là lý do sáng 20-9, nhiều shipper xếp hàng vài tiếng đồng hồ ở các điểm và trạm y tế xét nghiệm lưu động, gây ùn ứ cục bộ.
Phải xếp hàng từ rất sớm chờ xét nghiệm
Theo ghi nhận của PV, từ 5 giờ sáng, hàng trăm shipper tập trung tại điểm xét nghiệm trên đường Nguyễn Văn Lượng, phường 17, quận Gò Vấp. Song trạm y tế lưu động chỉ có một đội nhân viên y tế phục vụ, các shipper phải xếp hàng kéo dài hàng kilomet và chờ trong nhiều giờ.
Tương tự, tại điểm xét nghiệm trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh) cũng trong tình trạng ùn ứ cục bộ với hàng trăm shipper xếp hàng chờ xét nghiệm.
Nhiều shipper cho biết họ phải có mặt từ sáng sớm và yêu cầu được xét nghiệm nhanh để kịp đi giao hàng. Tuy nhiên, đến 9 giờ sáng, nhiều người vẫn phải đứng chờ vì số lượng shipper yêu cầu xét nghiệm quá đông.
Anh Nguyễn Văn Tài (một shipper đứng chờ xét nghiệm) cho biết: Nhiều shipper đã có mặt từ 4 giờ 30 sáng. Nhiều người chờ quá lâu nên đã về nhà, hôm sau mới ra xét nghiệm. Việc quá nhiều shipper hoạt động và yêu cầu phải xét nghiệm cũng gây quá tải cho lực lượng y tế, thậm chí không đảm bảo phòng chống dịch.
Gần đó, một shipper đứng chờ xét nghiệm cũng bày bỏ: “Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều điểm xét nghiệm COVID-19 cho tài xế. Tôi kiến nghị TP.HCM có thể tính toán cho xét nghiệm hai lần/tuần hoặc sắp xếp luân phiên để tránh tình trạng shipper tập trung đông đúc”.
Kiến nghị xét nghiệm nhanh cho shipper
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Gojek Việt Nam cho biết khi lượng shipper được phép hoạt động tăng lên, tình hình lưu thông thuận lợi hơn, cung – cầu thị trường được đảm bảo, giá cước chắc chắn sẽ được duy trì ở mức ổn định. Theo đó, Gojek đánh giá cao việc TP.HCM đã lắng nghe và đưa ra những điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp để tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động trở lại.
“Tuy nhiên, để tài xế có thể hoạt động phục vụ người dân, vấn đề khó khăn hiện nay là việc xét nghiệm nhanh COVID-19 cho lực lượng này. Chúng tôi rất mong các sở, ban, ngành liên quan có phương án tạo điều kiện cho các shipper được tham gia xét nghiệm nhanh một cách hiệu quả, an toàn. Về phía Gojek, chúng tôi cũng thông tin đến các đối tác tài xế, lưu ý họ đảm bảo giãn cách khi tham gia xét nghiệm nhanh”-đại diện Gojek nói.
Tương tự, đại diện AhaMove cho biết hiện tại đơn vị được mở rộng số lượng shipper tại TP.HCM bằng khoảng 80% so với trước dịch. Vì thế, vài ngày tới giá cước vận chuyển sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, những ngày qua, việc xét nghiệm vẫn còn chưa được thông suốt, một số tài xế chưa quen, chưa tìm được nơi xét nghiệm. AhaMove mong cơ quan chức năng sớm giải quyết vấn đề này để các tài xế phục vụ người dân được thuận lợi hơn.
Một hãng công nghệ khác cũng bày tỏ quan điểm, để tránh việc tăng giá thì giải pháp là tăng số lượng shipper hoạt động. Hãng này kiến nghị các sở, ban, ngành cần đưa ra những hướng dẫn hoặc có chính sách hợp lý hơn về xét nghiệm cho đội ngũ giao hàng như chia ca xét nghiệm và gia tăng hạn sử dụng của giấy xét nghiệm.
Sẽ không để ùn ứ khi xét nghiệm cho shipper
Sở Công Thương TP.HCM cho biết đến ngày 16-9, toàn TP có khoảng 160.000 shipper đăng ký hoạt động với 33 doanh nghiệp.
Trong đó, những ngày qua lượng shipper đăng ký và hoạt động tăng dần. Cụ thể, ngày 16-9 có khoảng 20.000 shipper đăng ký hoạt động thì đến ngày 17-9 có khoảng 24.200 shipper đăng ký hoạt động (thực hiện hơn 543.000 đơn hàng, tăng gấp đôi thời điểm có 20.000 shipper hoạt động).
Đến ngày 18-9, số shipper đăng ký hoạt động lên đến 33.500 người và ngày 19-9 có 82.160 shipper đăng ký hoạt động.
Để giải quyết khó khăn cho lực lượng shipper trong xét nghiệm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết UBND TP đã thông qua đề xuất của đơn vị, cho phép hơn 800 trạm y tế và điểm xét nghiệm lưu động trên địa bàn hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ. Cụ thể, hiện trên địa bàn TP có 312 trạm y tế phường, xã, TP tăng cường thêm 501 trạm y tế lưu động.
“Điểm xét nghiệm cũng linh động để không xảy ra quá tải trong thời gian tới. Theo đó, các shipper thấy điểm nào vắng có thể vào xét nghiệm” – ông Phương thông tin.
Theo ông Phương, trước đó, khi TP có chủ trương hoạt động trở lại, lực lượng shipper chỉ có khoảng 20.000 người. Tuy nhiên, hai ngày qua, số lượng đã tăng lên hơn 82.000 người. Đây là sự gia tăng đột biến.
“Khi đội ngũ shipper hoạt động trở lại, mỗi ngày họ có thể chuyển tải được 250.000 đơn hàng. Đến nay, số lượng chuyển tải có thể lên 600.000-800.000 đơn hàng” – ông Phương thông tin thêm.
Phí giao hàng đã giảm hơn
Chị NPD, quận Tân Bình, cho biết ngày 20-9, phí ship hàng của các ứng dụng đã giảm so với những ngày trước đó. Chị D cho biết cùng quãng đường 2 km, nếu trước đó có phí là 40.000 đồng thì hôm 20-9 giảm còn 25.000 đồng. Giá cước hiện nay như vậy là chấp nhận được. Chị Hà An (phường 14, quận 3) cho biết giá cước giao hàng đã hạ nhiệt chút đỉnh. Cụ thể vào lúc 11 giờ ngày 20-9, chị đặt giao đồ ăn từ phường 14, quận 3 sang phường 4, quận Tân Bình với khoảng cách 2,5 km có giá cước 22.000 đồng ở Gojek và 30.000 đồng đối với giao siêu tốc ở ứng dụng Grab, 35.000 đồng ở ứng dụng Ahamove. “Cách đây ba ngày, nếu như tôi đặt giao hàng liên quận cũng với khoảng cách này, ở thời điểm này, giá cước sẽ cao hơn 5.000-7.000 đồng đối với ứng dụng Grab và Ahamove. Trong sáng 20-9, mặc dù gặp khó khăn trong việc tìm shipper nhận đơn hàng nhưng giá cước đã ổn định hơn” – chị An cho hay. |
Đào Trang – Thu Hà – Tá Lâm