Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị Covid-19 của GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đó việc truyền huyết tương của người từng mắc Covid-19 cho người bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để có phương án tổ chức thực hiện cho phù hợp.
Hai phương pháp điều trị mà GS-TS Nguyễn Thanh Liêm kiến nghị bao gồm: truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người vừa khỏi Covid-19 cho các bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng và truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine – nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp.
Về hai phương pháp này, một bác sĩ chuyên điều trị các bệnh nhân Covid-19 cho biết biện pháp truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng không dễ dàng thực hiện.
“Thông thường kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 từ huyết tương của người đã khỏi Covid-19 chỉ tồn tại trong vài tháng là hết, trong khi đó nhiều người bệnh Covid-19 vừa khỏi bệnh cơ thể sẽ rất mệt mỏi, thậm chí suy kiệt… nên việc vận động người vừa khỏi bệnh hiến huyết tương cũng không dễ dàng”- bác sĩ này phân tích.
Từ thực tế hỗ trợ nhiều tỉnh miền Nam điều trị bệnh nhân Covid-19, một bác sĩ cho biết thêm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở 1 số địa phương với hàng nghìn người nhập viện mỗi ngày, hàng nghìn bệnh nhân nặng phải điều trị tích cực, vì thế nhân lực y tế cũng phải chia ra để điều trị bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin.
Để ứng dụng được phương pháp này một số bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 cho rằng không phải dễ dàng mà cần phải tính toán rất chặt chẽ, cụ thể bởi việc vận động người khỏi Covid-19 hiến huyết tương, lấy huyết tương, xét nghiệm xem huyết tương có kháng thể hay không… cũng cần không ít nhân lực y tế.
Một chuyên gia cho biết hơn 80% người nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ tự khỏi, chỉ có 20% bệnh nhân có triệu chứng và có khoảng 5% trong số đó là chuyển nặng. Nếu hạn chế được số người mắc và tiêm vắc-xin để giảm nguy cơ bệnh nặng thì các bác sĩ có thể tập trung điều trị bệnh nhân tốt hơn. Từ đó, số ca tử vong chắc chắn sẽ giảm. |
Trong khi với phương pháp truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine, vị bác sĩ này cho biết phương pháp này khá đắt đỏ, chi phí khoảng 600-800 triệu đồng/ca ghép, trong khi hiệu quả điều trị của một số nghiên cứu trên thế giới cũng chưa rõ ràng.
“Trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải lựa chọn biện pháp điều trị đơn giản, hiệu quả, giá rẻ dành cho đám đông. Các biện pháp đắt tiền và phức tạp đôi khi không kịp với diễn biến của bệnh Covid-19 như hiện nay”- bác sĩ này cho biết.
Đồng tình với hai phương pháp điều trị được GS Liêm đề xuất, một chuyên gia y tế cho biết nên vận động người vừa khỏi Covid-19 hiến huyết tương. Không phải ai khỏi bệnh cũng đủ điều kiện hiến huyết tương. Trước khi lấy các thầy thuốc sẽ phải xét nghiệm để đánh giá nồng độ kháng thể ở ngưỡng đạt yêu cầu.
“Nếu chúng ta vận động khéo, tuyên truyền tốt thì rất có khả năng thành công. Vì việc hiến huyết tương đơn giản hơn hiến hồng cầu, ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn. Cần phải sớm áp dụng phương pháp này cho bệnh nhân Covid-19 để ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng và tử vong”- vị chuyên gia này cho biết.
Chia sẻ thêm về 2 phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 nói trên, vị này cho rằng truyền huyết tương và truyền tế bào gốc và hai “vũ khí” dùng ở 2 giai đoạn điều trị bệnh nhân Covid-19 khác nhau. Việc truyền huyết tương là ở giai đoạn đầu, khi người mắc Covid-19 có dấu hiệu trở nặng.
“Tất nhiên không phải truyền huyết tương cho tất cả người mắc Covid-19 mà truyền cho những người có nguy cơ bị nặng như người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, bị bệnh nền như béo phì, đái tháo đường… Lúc đấy mục đích chủ yếu là duyệt virus, ngăn chặn bệnh trở nặng ở các bệnh nhân nguy cơ. Còn giai đoạn sau, khi bệnh nhân đã suy hô hấp và có cơn bão Cytokine thì sẽ truyền tế bào gốc”- chuyên gia này phân tích.
Tuy nhiên, vị này cũng nhận định, phương pháp truyền tế bào gốc không rẻ. Hiện chỉ một vài cơ sở y tế sản xuất được tế bào gốc. Với hàng nghìn bệnh nhân nặng như hiện nay, việc cung ứng tế bào gốc cũng không dễ dàng, nhưng về phương pháp Việt Nam đã làm chủ được. Nếu hạn chế về số lượng thì chúng ta có thể tìm giải pháp sau”- vị chuyên gia nói.
Trước đó, ngày 15-5-2020, Bộ Y tế cũng ban hành QĐ số 2065/QĐ- BYT về hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận, bảo quản, cung cấp huyết tương từ người đã được điều trị khỏi Covid-19 nhằm bảo đảm các yêu cầu phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh trong tiếp nhận Huyết tương hồi phục cũng như các yêu cầu về xét nghiệm sàng lọc bảo đảm an toàn đơn vị máu, yêu cầu về điều chế, bảo quản…
Bộ Y tế từng có quyết định phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới: “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 thể trung bình, nặng và nghiêm trọng bằng huyết tương của người bệnh đã phục hồi”.
Đề tài nghiên cứu do TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec đồng chủ trì với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, bác sĩ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương…
Sau đó, tháng 8-2020, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiến hành lựa chọn người hiến huyết tương. Đã có một số người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương, trong đó có một bác sĩ của bệnh viện từng mắc Covid-19 và được chữa khỏi.
Ngày 20-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để có phương án tổ chức thực hiện cho phù hợp.
Theo GS Liêm, thu huyết tương từ người cho tặng về nguyên tắc giống như thu nhận máu từ những người hiến máu. Phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, Bộ Y tế nên chỉ đạo Bệnh viện Huyết học TP HCM và Viện Huyết học truyền máu Trung ương lập sớm ngân hàng huyết tương có kháng thể chống virus để sử dụng cho người bệnh có nguy cơ cao. Còn việc ứng dụng phương pháp truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine – nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp. GS Liêm cho biết phương pháp này đã được sử dụng cho suy hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với các bệnh nhân Covid-19, một số nghiên cứu cho thấy, truyền tế bào gốc có thể làm tăng tỉ lệ sống gấp 2,5 lần so với nhóm không truyền. |