Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm giải quyết những vướng mắc, hạn chế phát sinh trong thực tế hiện nay.
Thực trạng cho thấy nhiều lỗ hổng
Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, hiện nay tài nguyên nước của nước ta đang phải chịu nhiều thách thức như phụ thuộc lớn vào nước ngoài; phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; mâu thuẫn sử dụng nước trên lưu vực sông; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả sử dụng nước thấp,…
Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn chưa có chính sách, quy định cụ thể nhằm tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước, dẫn tới tình trạng lãng phí nước, gây thất thu ngân sách nhà nước và triệt tiêu động lực phát triển, không kêu gọi được việc xã hội hóa trong ngành nước, nhất là cấp nước cho nông nghiệp…
Giải thích về điều này, Bộ cho rằng Luật Tài Nguyên nước năm 2012 đã đạt được những thành tựu nhất định qua 9 năm đi vào thực hiện, song vẫn còn một số hạn chế, chưa đảm bảo phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, dẫn đến các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chưa tính toán đủ giá thành sản phẩm, chưa xác định chính xác hiệu quả sử dụng nước.
Do vậy, việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là cần thiết để giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên.
Cụ thể, một số quy định của Luật tài nguyên nước cần phải được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thực tế và phù hợp với pháp luật có liên quan như quy định về vật thể chứa nước (dòng sông, tầng chứa nước), quy hoạch tài nguyên nước, cấp giấy phép tài nguyên nước, bảo vệ tài nguyên nước.
Đề xuất giải pháp công trình “kho chứa nước” để tích trữ nước
Dự thảo Luật đề xuất bổ sung nhiều quy định mới đối với mỗi vấn đề còn tồn tại như sau:
Đối với chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, Dự thảo bổ sung quy định về việc xây dựng, vận hành hệ thống chỉ tiêu, chỉ số theo dõi, đánh giá an ninh tài nguyên nước quốc gia, lưu vực sông. Bổ sung quan điểm, nguyên tắc về chính sách xã hội hóa hoạt động quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; thẩm định các dịch vụ công lĩnh vực tài nguyên nước; các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy.
Đối với việc bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy, bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước, trong đó có cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ phát triển nguồn sinh thủy. Bổ sung các quy định cụ thể đối với hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước. Đề xuất các giải pháp công trình “kho chứa nước” để tích trữ nước nhằm điều hòa nguồn nước giữa các mùa; bảo vệ và phục hồi thảm thực vật, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển nhằm tăng khả năng tích trữ nước, giảm thiểu lũ lụt về mùa mưa, tăng nguồn sinh thủy về mùa khô.
Về biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, Dự thảo quy định rõ hơn các biện pháp, chế tài trong việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đối với các hoạt động khai thác, sử dụng nước. Bổ sung quy định về sử dụng nước hướng đến tiết kiệm nước trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cần sửa đổi, bổ sung theo hướng tách bạch quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong khai thác tài nguyên nước và sử dụng tài nguyên nước.
Về đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước, bổ sung quy định chi tiết nội dung liên quan đến cơ chế, tổ chức thực hiện liên quan đến huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện dịch vụ công.
Về phòng, chống hạn hán, lũ, lụt, ngập úng nhân tạo, bổ sung quy định chi tiết về quản lý đào, san lấp ao, hồ chứa nước. Bổ sung quy định, nguyên tắc việc áp dụng các biện pháp thu gom nước mưa, giảm ngập lụt ở các khu đô thị, khu tập trung dân cư.