Đội ngũ giao hàng công nghệ (shipper) đăng ký hoạt động tăng đột biến với gần 50.000 người sau 1 ngày, khiến lực lượng y tế xét nghiệm không kịp.
Thông tin trên được công bố tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM vào chiều 19-9.
Thiếu nhân lực xét nghiệm
Theo số liệu của Bộ Y tế, từ 18 giờ ngày 18-9 đến 18 giờ ngày 19-9, TP HCM ghi nhận 5.496 ca mắc Covid-19.
Tại cuộc họp báo chiều 19-9, ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết TP đang điều trị 41.193 bệnh nhân; trong đó có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 người phải can thiệp ECMO. Trong ngày 18-9, TP có 2.637 bệnh nhân xuất viện, 182 trường hợp tử vong. Tổng số mũi vắc-xin đã triển khai tiêm đến ngày 18-9 là 8.735.784 liều với hơn 2 triệu người đã tiêm 2 mũi.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, nêu thực tế nhu cầu “đi chợ hộ” đã giảm. Tổng nhu cầu đăng ký “đi chợ hộ” trong ngày là 52.760 hộ, giảm 4,15% (giảm 2.287 hộ) so với hôm trước. Nguyên nhân là do các hộ dân có thêm nhiều lựa chọn để đi chợ; người dân ở các quận 7, huyện Cần Giờ và Củ Chi được đi chợ 1 lần/tuần/hộ.
Đến nay, 18.620/46.438 hộ ở quận 7 đã được phát phiếu đi chợ có giá trị trong tuần. Sau đó, quận sẽ đánh giá lại “vùng xanh” để mở rộng hoặc thu hẹp việc phát phiếu tùy thuộc vào công tác phòng chống dịch. Riêng mô hình chợ dã chiến mà quận 5 mới đề xuất còn phải báo cáo lên TP. Nếu được chấp thuận, ngày 22-9, quận 5 sẽ triển khai mô hình này.
Những ngày qua, lượng shipper đăng ký hoạt động khoảng 20.000 người, đến ngày 17-9 có khoảng 24.200 người hoạt động trên tổng số 26.500 lượt đăng ký. Ngày 18-9, khoảng 33.500 shipper đăng ký hoạt động và đến ngày 19-9 tăng lên 82.160 người đăng ký.
Sở Công Thương đã đề nghị Sở Y tế TP HCM hỗ trợ, bổ sung nguồn lực thực hiện xét nghiệm cho 90.000 shipper đăng ký hoạt động, theo dự tính của Sở Công Thương.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, khẳng định từ Công văn 2800 của UBND TP về việc hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho 17.800 shipper đăng ký ban đầu, sở đã chỉ đạo trung tâm y tế các quận, huyện cung ứng thiết bị test nhanh hỗ trợ các đơn vị.
Từ ngày 31-8 đến 6-9, ngành y tế đáp ứng xét nghiệm khoảng 20.000 shipper. Tuy nhiên, với lượng đăng ký lên hơn 82.000 shipper là vượt quá năng lực của các trạm y tế. Việc xét nghiệm cho shipper được phân công cho các trạm y tế lưu động. Tại các trạm này có sự hỗ trợ của gần 1.200 bác sĩ quân y với nhiệm vụ chính là chăm sóc F0 tại nhà, hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vắc-xin trên địa bàn và nay thêm nhiệm vụ xét nghiệm cho các shipper.
“Nếu số lượng nhỏ thì có thể đáp ứng tốt nhưng bây giờ tăng nhiều và thời gian xét nghiệm kéo dài đến ngày 30-9, ngay cả Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM cũng lúng túng khi cung ứng thiết bị test nhanh. Tuy nhiên, vì nhu cầu hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho người dân, ngành y tế TP sẽ cố gắng đáp ứng” – bà Mai nhấn mạnh.
Việc xét nghiệm cho shipper được thực hiện trong khung giờ từ 5-6 giờ hằng ngày để kịp cấp giấy xác nhận cho họ hoạt động. Tuy nhiên, có tình trạng shipper ghé các trạm y tế khác thời gian này nên cũng ảnh hưởng nhiệm vụ hàng đầu là chăm sóc F0 tại nhà.
Chấn chỉnh việc F0 ra đường
Trước thông tin 50 F0 có giấy đi đường, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, lý giải Công an TP cấp giấy về các đơn vị chức năng, sau đó các đơn vị cấp cho cá nhân.
Số người nêu trên thuộc diện được cấp giấy nhưng sau đó mắc Covid-19, chứ không phải họ đang nhiễm bệnh mà vẫn được cấp giấy. Những trường hợp F0 phát hiện qua rà soát tại các chốt là kết quả của việc đối soát dữ liệu các ca nhiễm trên hệ thống, khi đối chiếu lại quá trình khai báo y tế của các trường hợp này thì phát hiện họ có lưu thông qua các chốt.
Nguyên nhân là do khi công an cập nhật kết quả thông báo ca bệnh có độ trễ nhất định, thời gian bệnh nhân nhận kết quả dương tính đến khi được cập nhật vào hệ thống mất 3-5 ngày. Vì vậy, người lưu thông chưa kịp biết mình là F0. Đối với những trường hợp đến cơ sở khám chữa bệnh và phát hiện mình là F0, di chuyển về nhà cách ly thì vẫn được phép. Tuy nhiên, nếu người dân biết mình là F0 mà vẫn di chuyển thì có thể bị xử lý hình sự.
Công an TP HCM yêu cầu lực lượng trực chốt vừa kiểm tra mã QR vừa kiểm tra giấy đi đường do dữ liệu cập nhật vẫn chưa đầy đủ. “Nếu cán bộ, chiến sĩ kiểm tra mã QR thấy đã cập nhật danh sách giấy đi đường thì không cần đối soát giấy đi đường. Trường hợp quét QR không thấy thông tin thì phải kiểm tra giấy đi đường. Việc này là để phòng trường hợp chuyển mã QR cho người khác” – thượng tá Hà giải thích.
Hà Nội nới lỏng giãn cách sau ngày 21-9 Đà Nẵng: Không có ca mắc trong cộng đồng Ngày 19-9, TP Hà Nội ghi nhận 19 ca Covid-19 mới, trong đó có 17 ca tại khu cách ly và 2 ca tại khu vực phong tỏa. Đáng chú ý, trong số này có 3 nhân viên y tế, đã được cách ly từ trước. Hiện ổ dịch phức tạp mới phát sinh tại tổ 4 Việt Hưng, quận Long Biên đã có 12 ca mắc Covid-19. Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết dự kiến sau ngày 21-9, TP sẽ không chia 3 phân vùng nữa. Nơi nguy cơ rất cao, có ca F0 sẽ trở thành “điểm đỏ” với quy mô hẹp, áp dụng theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Khu vực xuất hiện F0 và các gia đình lận cận phải phong tỏa, cách ly y tế. Khu vực lân cận là “vùng vàng”, còn lại là “vùng xanh”. TP Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì 23 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào thủ đô. Các công trình xây dựng được hoạt động trở lại với những điều kiện cụ thể để bảo đảm an toàn. * Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng chiều 19-9 cho biết TP vừa ghi nhận 2 ca mắc Covid-19, đều đã được cách ly từ trước, không có ca trong cộng đồng. Đến nay, toàn TP Đà Nẵng có 34/56 xã, phường được công nhận là “vùng xanh”. H.Thanh – B.Vân |