Ngày 16/9, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo nước này đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại nước này, ông Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã đệ đơn xin gia nhập CPTPP tới Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor.
Hai Bộ trưởng đã điện đàm “để trao đổi về những công việc sắp tới liên quan tới đơn xin gia nhập chính thức của Trung Quốc”, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo.
Hiệp định CPTPP được hình thành vào năm 2018, cam kết dỡ bỏ 95% các loại thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Hiệp định này chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 7 thực thi Hiệp định CPTPP kể từ ngày 14/1/2019.
Trước khi được 11 quốc gia thành viên ký vào năm 2018, CPTPP được biết với tên gọi là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ đã tuyên bố rút khỏi TPP vào năm 2017.
Việc gia nhập CPTPP sẽ là một động lực lớn đối với Trung Quốc sau khi nước này ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia hồi năm ngoái. Nếu gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong khối.
Nhật Bản hiện nắm quyền Chủ tịch đối với cơ quan ra quyết định CPTPP, trong khi New Zealand phụ trách tiếp nhận yêu cầu gia nhập Hiệp định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm ngoái nhiều lần phát biểu công khai về ý định gia nhập CPTPP của nước này. Nếu Trung Quốc được gia nhập CPTPP, tổng GDP của các nền kinh tế thành viên sẽ chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Việc Trung Quốc xúc tiến tham gia CPTPP được cho là nhằm gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Hiện Anh và Thái Lan cũng đang bày tỏ mong muốn về việc gia nhập CPTPP.
Ngày 20/5 vừa qua, tại Diễn đàn Quốc tế “Tương lai châu Á”, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tuyên bố, Thái Lan mong muốn được tham gia CPTPP và hiện chính phủ nước này đang cân nhắc các bước đi cần thiết.
Theo ông Prayut Chan-o-cha, sự hợp tác đa phương thông qua các khuôn khổ khu vực và quốc tế như ASEAN, CPTPP hay RCEP đóng vai trò quan trọng trong sự phục hồi toàn diện sau đại dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 1/2 vừa qua, bà Liz Truss khi đó là Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh đã đưa ra lời đề nghị chính thức về việc gia nhập CPTPP vào đúng dịp tròn 1 năm kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, với đề nghị trên, Anh đã trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập nộp đơn đăng ký tham gia thỏa thuận này. Có thể nói, CPTPP là một phần quan trọng trong chính sách thương mại của nước này sau khi rời EU.
Anh dự báo sau khi gia nhập CPTPP, xuất khẩu của nước này sang các quốc gia thành viên Hiệp định sẽ tăng hơn 51 tỷ USD, tương đương 65%, vào năm 2030.
Anh đã tích cực xây dựng các mối quan hệ thương mại mới kể từ khi rời EU. Với CPTPP, Anh hy vọng sẽ tạo ra địa vị tương xứng trong hoạt động thương mại thế giới với tư cách là nước xuất khẩu hàng tiêu dùng cao cấp và dịch vụ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Hiệp định này sẽ giúp mở rộng các thỏa thuận thương mại mà Anh đang cố gắng đạt được hoặc đã ký kết với các nước thành viên trong CPTPP. Bà Liz Truss cho biết, nước này đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán gia nhập CPTPP vào cuối năm 2022.
H.Hà (Theo Reuters, Xinhua)