Bộ Công Thương mới đưa ra bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII cập nhật để lấy ý kiến sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành. Theo dự thảo mới này, nguồn điện năng lượng tái tạo sẽ giảm khoảng hơn 8.000 MW và điện than sẽ tăng hơn 3.000 MW.
Việc tăng điện than, giảm điện tái tạo trong dự thảo này, theo các chuyên gia năng lượng tại toạ đàm “Quy hoạch Điện VIII: Mở đường hay thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh” chiều 16/9 – đánh giá Bộ Công Thương vẫn “đặt cược” vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021 – 2030) và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035 – 2045.
Điện than được “ưu ái” hơn năng lượng tái tạo
Theo bà Nguỵ Thị Khanh – Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), dự thảo Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công Thương đưa ra lần này có nhiều điểm khác so với bản trình tháng 3/2021.
Cụ thể, điểm khác thể hiện hiện ở việc cắt giảm tổng công suất nguồn điện trong cả 2 giai đoạn của thời kỳ quy hoạch; tăng cường kiểm soát và giám sát thực hiện Quy hoạch; thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phân tán; tập trung cân bằng phụ tải nội vùng để hạn chế truyền tải từ xa.
Bà Khanh cho biết, VSEA cũng có 4 góp ý với dự thảo lần này. Theo đó, cơ quan này cho rằng Quy hoạch Điện VIII nên kiên định với con đường phát triển năng lượng tái tạo. Những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế.
“Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, Quy hoạch Điện VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường”, bà nói.
Cũng theo đánh giá của Chủ tịch VSEA, dự thảo Quy hoạch Điện VIII chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò của nguồn năng lượng tái tạo, vì thế chưa đưa ra các giải pháp hiệu quả để khai thác nguồn năng lượng có chi phí 0 đồng này.
“Hơn nữa, dự thảo vẫn đặt cược vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030) và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035-2045. Đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi”, bà Khanh nhìn nhận.
Vị này cũng chỉ ra, sự biến động của giá than trong thời gian vừa qua, cảnh báo rủi ro khi tiếp tục phát triển những dự án như vậy. Thực tế, giá than 6 tháng đầu năm 2020 là 98,8 USD mỗi tấn, đến nay tăng lên 159,7 USD mỗi tấn, tăng 150%.
Với giá than tăng lên 150 – 160 USD mỗi tấn như hiện nay, giá điện dẫn khoảng từ 10-11 UScent/kWh, đắt hơn điện gió ngoài khơi theo FIT là 9,8 UScent/kWh. Như vậy, giá điện than không hề rẻ mà ngược lại đắt nhất và đắt hơn tất cả các loại năng lượng tái tạo đang hưởng giá FIT.
Ông Nguyễn Quang Huân – ĐBQH khoá XV, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc nhấn mạnh việc xây dựng dự thảo Quy hoạch Điện VIII cần phải bám sát vào Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
“Dù Quy hoạch Điện VIII đã cố gắng sửa chữa những khuyết điểm từ Quy hoạch Điện VII, song có điều cần hết sức cân nhắc đó là câu chuyện phát triển điện than”, ông Huân nói và bày tỏ việc điện than được “ưu ái” hơn năng lượng tái tạo trong Quy hoạch Điện VIII là “không hợp với xu thế”.
Ông Huân cũng đánh giá điện than phụ thuộc vào vấn đề nhập khẩu rất nhiều, khó tiếp cận nguồn tài chính, gây ra những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường.
“Tuy nhiên, cũng không thể ngay lập tức cắt giảm điện than, phải có lộ trình giảm dần điện than trong thời gian tới. Phải tìm cách tháo gỡ dựa trên sự cân đối về hệ thống điều độ, vận hành, nâng công suất mạng lưới, hay các giải pháp về lưu trữ”, ông đánh giá.
Còn theo TS.Nguyễn Đức Tuyên – Viện Điện, Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng cho rằng, điện than có thể sẽ an toàn hơn về hệ thống vận hành, rủi ro gần nhưng rất ít. Song những vấn đề như nhập khẩu than tương lai, biến động giá cả cũng khó đoán là điểm cần được cân nhắc.
Phải đánh giá trên phương diện rộng hơn
Cũng tại phiên thảo luận, PGS.TS Lê Anh Tuấn – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) bày tỏ lo ngại dự thảo Quy hoạch Điện VIII sẽ thắt lại lộ trình chuyển dịch xanh.
“Việt Nam đang rất nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính, song dự thảo Quy hoạch Điện VIII lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Điều này sẽ gây ra nhiều tác động, hệ lụy”, ông Tuấn đánh giá.
Theo ông Tuấn, việc xây dựng dự thảo không nên nhận định đơn thuần về mặt kỹ thuật, kinh tế năng lượng, mà phải đánh giá trên phương diện rộng hơn.
Ông dẫn chứng việc thời gian vừa qua Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo ông, đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mẻ mà các nước xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu, trong đó có Việt Nam sẽ phải quan tâm.
“Nếu hàng hoá của chúng ta bị đối tác định giá lượng khí thải quá cao, từ việc sử dụng năng lượng không thân thiện với môi trường sẽ bị buộc phải trả một khoản tiền tương ứng khi đưa hàng hoá đó qua biên giới vào châu Âu”, vị này nói.
Đồng quan điểm, ông Mai Văn Trung – Phó Chủ tịch Nami Energy cho biết, đa số doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay phải đối mặt với thách thức về tỉ trọng sử dụng điện sạch trong tổng công suất sử dụng điện chung đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Năm 2022, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp trần nhất định, có nghĩa là các nhãn hàng lớn họ áp đặt tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu. Vì vậy, ông Trung cho rằng, trong Quy hoạch Điện VIII cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Trước đó, Bộ Công Thương đưa ra bản dự thảo Quy hoạch Điện VIII để lấy ý kiến sau khi đã thực hiện rà soát lại theo yêu cầu tại kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, một số nội dung thay đổi tại bản dự thảo mới nhất này so với Tờ trình 1682 mà Bộ này trình Chính phủ hồi tháng 3/2021 đã nhận được những ý kiến trái chiều. Tại phương án phát triển nguồn điện sau khi rà soát, nhiệt điện than dự kiến đến năm 2030 công suất đặt vào khoảng 40.649 MW, tăng hơn 3.070 MW so với tờ trình trước. Đến giai đoạn năm 2045, nhiệt điện than dự kiến đạt 50.699 MW, trước khi rà soát Bộ Công Thương đưa ra con số là 50.168 MW. Trong khi đó, năng lượng điện gió chỉ còn 11.820 MW, giảm 4.190 MW; riêng điện gió ngoài khơi giảm 2.000 MW, tức là về 0 trong tờ trình điều chỉnh. Điện mặt trời giai đoạn đến năm 2030 thì giữ nguyên với mức 18.640 MW song đến giai đoạn 2045 sẽ giảm từ 55.090 MW xuống còn 51.540 MW. |