Hơn một tỷ sinh vật biển trên khắp Tây Bắc Thái Bình Dương đã chết trong đợt nắng nóng năm 2021. Nhiều con trai bị hun nóng tới mức bật vỏ.
Khi các dự báo về đợt nắng nóng tàn phá phía Tây Bắc Thái Bình Dương vào cuối tháng 6, nhà sinh vật biển Christopher Harley rất lo lắng.
Dọc đường bờ biển kéo dài hàng trăm km, cơn nóng khủng khiếp đã làm chết hàng loạt sinh vật biển nhỏ như con hà hay rong biển. Những con sao biển không bò kịp đến nơi râm mát hơn bị nấu chín ngay lúc còn sống. Những con trai nằm dài dọc theo những tảng đá, phần mô thịt của chúng thậm chí bị hun nóng tới mức bật vỏ.
Ước tính ban đầu cho thấy hơn một tỷ sinh vật sống ở vùng nước nông trên khắp Tây Bắc Thái Bình Dương chết vì nắng nóng chỉ trong một tuần nhiệt độ dâng cao khắc nghiệt. Các nhà khoa học dự đoán tác động này sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái và các loài động vật sống dựa vào nguồn thức ăn là những loài chết.
“Ngày càng nóng hơn”
Những đợt nắng nóng chưa từng có đã phá vỡ hàng chục kỷ lục về nhiệt độ trên toàn khu vực, đồng thời gây ra những tác động thảm khốc đối với con người, thực vật và động vật. Song, đó chỉ là một sự bắt đầu cho những gì sắp xảy ra.
Khi môi trường tiếp tục ấm lên do sự nóng lên toàn cầu mà con người gây ra, nhiệt độ tăng vọt sẽ trở nên thường xuyên hơn, gay gắt hơn và kéo dài hơn. Bởi nắng nóng và hạn hán có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, thảm họa này sẽ tàn phá các hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng và nền nông nghiệp.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu tác động của các đợt nắng nóng này. Song, nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiện tượng này sẽ trở nên thường xuyên trong 30 năm tới, nếu hành tinh này tiếp tục ấm lên.
Andrew Hoell, nhà khí tượng học tại phòng thí nghiệm khoa học vật lý của Cục Quản lý Khí quyền và Đại dương Quốc gia, cho biết: “Khí hậu sẽ ngày càng nóng hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần nhiều nguồn cấp ẩm hơn để ngăn chặn hạn hán. Đây là một yếu tố có thể thay đổi cách chúng ta đang sống nhiều năm nay”.
Theo một nghiên cứu tại Đại học Colorado được công bố vào đầu năm 2021, nắng nóng khắc nghiệt có thể làm tăng thiệt hại cây trồng lên gấp 10 lần. Tại khu vực phía tây, những người nông dân và chủ trang trại đã phải vật lộn để thích nghi với điều kiện cực kỳ khô hạn ngay cả trước khi nhiệt độ bắt đầu tăng đột biến.
Hơn một nửa diện tích cherry ở miền Tây Canada đã bị hư hại nặng vào cuối tháng 6, trông như thể chúng đã được nấu chín. Các quả mâm xôi, việt quất, mâm xôi đen, quả hạch và táo ở phía tây bắc cũng rơi vào tình trạng tương tự bởi nhiệt độ cao trước khi được thu hoạch.
Các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp Mỹ bày tỏ lo ngại rằng quả lúa mì bị teo, gây giảm mạnh sản lượng lúa mì trong vụ này.
Nhiệt độ trên 35 độ C cũng làm thay đổi tinh bột trong khoai tây thành đường và làm chậm sự phát triển của chúng. Đồng thời, trong tình trạng khan hiếm cà chua ở California, giá các loại thực phẩm làm từ cà chua – như sốt pizza và tương cà – dự kiến gia tăng.
Ảnh hưởng của nhiệt độ tăng cao
Theo các nhà khoa học Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), tính đến tháng 7, gần một nửa diện tích tiếp giáp của Mỹ chìm trong hạn hán và hơn 15% diện tích quốc gia này đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục trong tháng 6.
Nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán song hành với nhau làm phức tạp thêm những nỗ lực thích ứng và phục hồi. Đó cũng là điều kiện kết hợp tạo tiền đề cho những đám cháy bùng phát nhanh đã thiêu rụi gần 1,2 triệu ha trong năm 2021.
Steve Ostoja, giám đốc Trung tâm khí hậu USDA California cho biết, hồ sơ lịch sử cho thấy có 4-6 đợt nắng nóng khắc nghiệt mỗi năm, song các mô hình khí hậu chỉ ra rằng hiện tại có thể có 25-30 đợt.
“Đó là một sự khác biệt rất lớn”, ông nói. “Về cơ bản, điều đó nghĩa là lúc nào cũng rất nóng”.
Nước và độ ẩm có thể giảm bớt căng thẳng trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, hiện lại đang thiếu hụt vì hạn hán. Thực vật phải chịu áp lực cao, động vật không thể giữ mát và các mạch nước nông nóng lên nhanh hơn, khiến cho môi trường sống trở nên khó chịu.
Jonathon Stillman, giáo sư sinh học tại Đại học bang San Francisco, cho biết, các loài động vật cũng đang phải vật lộn để thích nghi. Nghiên cứu của ông cho thấy, những động vật đã điều chỉnh với nhiệt độ cao sẽ càng khó thích nghi hơn khi nhiệt độ tăng cao hơn nữa.
Ông nói: “Chúng không có khả năng đối phó khi nhiệt độ cao hơn dù chỉ một chút so với mức tối đa mà chúng có thể thích nghi”.
Cá hồi Chinook là một ví dụ. Chúng đã tàn lụi vì nắng nóng, sau khi phục hồi đáng kể sau trận cháy năm 2018, khiến loài cá vốn bị đe dọa này giảm sút nghiêm trọng.
Theo Howard Brown, cố vấn chính sách cấp cao của NOAA, hơn 83% trong số khoảng 15.000 cá thể trưởng thành ở Butte Creek – quần thể cá lớn nhất được liên bang bảo vệ gần Chico, California – đã chết.
Ông nói: “Thật là tàn khốc”, và gọi đây là một dấu hiệu cho thấy mức độ nghiêm trọng của hạn hán và đợt nắng nóng.
“Đây là lần thiệt hại cá hồi trưởng thành lớn nhất mà chúng tôi từng thấy ở thung lũng trung tâm”. Cá hồi ở sông Columbia cũng được ghi nhận là bơi chậm chạp và lờ đờ với những vết xước và vết bỏng lớn màu đỏ khi vượt qua vùng nước quá nóng.
Theo nghiên cứu từ Bradfield Lyon, giáo sư tại Viện Biến đổi Khí hậu Đại học Maine, khi các đợt nắng nóng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn, chúng cũng sẽ tác động đến các khu vực vật lý lớn hơn.
Ông cho rằng tần suất, thời lượng cũng như cường độ của các cơn sóng nhiệt sẽ tăng lên vào giữa thế kỷ này.
Dù tình hình rất báo động, Lyon và nhiều nhà nghiên cứu khác hy vọng sự kiện này và lời cảnh báo về nhiệt độ khắc nghiệt có thể đóng vai trò như một lời kêu gọi thay đổi. Ông cho biết không cần phải hoảng sợ, nhưng phải thay đổi nhanh chóng.